Vụ giết mổ hổ để nấu cao tại nhà Chủ tịch UBND xã: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?
Hổ là động vật hoang dã nằm trong danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc Nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Do đó, hành vi nuôi nhốt, giết mổ hổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Vừa qua, ngày 06/01, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công an thị xã Phổ Yên đã bắt quả tang tại hộ gia đình ông Ngô Văn Quân (sinh năm 1971, trú tại xã Tiên Phong) đang diễn ra hoạt động giết mổ 1 con hổ để nấu cao.
Trong khu vực bếp ăn, sân nhà có nhiều tang vật liên quan gồm: 01 cá thể hổ đông lạnh, 01 bộ xương hổ, 02 bộ da hổ, 01 đầu Sơn Dương đông lạnh và các loại xương, thịt động vật.
Ngoài ra, khám xét nơi ở của ông Ngô Văn Quân, lực lượng chức năng phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng chất lỏng có ghi “1cc mật gấu tươi”.
Đáng chú ý, ông Ngô Văn Quân đang là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong nhiệm kỳ 2021- 2026.
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật liên quan; bàn giao hồ sơ, đối tượng và tang vật cho Công an thị xã Phổ Yên điều tra theo thẩm quyền.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên đã tạm giữ hình sự đối với ông Ngô Văn Quân để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Vụ việc trên đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận, câu hỏi được đặt ra rằng, ông Quân sẽ bị xử lý thế nào, trách nhiệm pháp lý của ông này ra sao và liệu có tình tiết tăng nặng hay không?
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Luật sư, hổ là động vật hoang dã nằm trong danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc Nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Do đó, hành vi nuôi nhốt, giết mổ hổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP quy định: Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...). Theo đó, xương, da... là những bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống. Luật sư cho biết, tại Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” như sau:
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Như vậy, nếu thông tin hành vi phạm pháp của Chủ tịch UBND xã Tiên Phong được xác thực thì ông Quân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tàng trữ một cá thể hổ và nhiều bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của cá thể lớp thú. Cụ thể, ông Quân sẽ chịu mức xử phạt gồm phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu ông Quân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong để thực hiện hành vi này thì sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Đối với 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng chất lỏng có ghi “1cc mật gấu tươi” được phát hiện tại nơi ở của ông Quân, nếu cao được làm từ một trong những loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB thì ông Quân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234, Bộ luật Hình sự. Theo đó, mức xử lý hình sự của tội danh này tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và tối đa là phạt tù đến 12 năm, đồng thời bị phạt tiền tối thiểu là 50.000.000 đồng và tối đa là 1.500.000.000 đồng.
Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Hồng Dương, Công ty Luật TNHH Sao Sáng cũng cho biết, hình phạt bổ sung thì căn cứ khoản 2 Điều 234, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất từ 01 năm đến 05 năm.
Xem xét xử lý kỷ luật Đảng viên nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Về mặt xử lý, kỷ luật Đảng viên, các Luật sư cho biết, Đảng viên có hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị Tòa án tuyên án phạt từ phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì sẽ bị xử lý kỷ luật đối với Đảng viên. Trong trường hợp này sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 17, Quyết định 22-QĐ/TW năm 2021 về thi hành kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 17, Quyết định 22-QĐ/TW năm 2021 đã quy định, Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật Đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của Tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho Đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với Đảng viên đó.
Khoản 3, Điều 17, Quyết định 22-QĐ/TW năm 2021 này cũng quy định rõ, Đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị Tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên trong danh sách Đảng viên (đối với Đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật. Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên Đảng viên thông báo bằng văn bản cho chi bộ nơi Đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi Đảng viên đó là thành viên. Đảng viên, cấp ủy viên bị Tòa án tuyên phạt hình phạt thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải quyết định cho Đảng viên trở lại sinh hoạt đảng, cấp Ủy viên trở lại sinh hoạt cấp ủy và xem xét để quyết định xử lý kỷ luật theo đúng quy trình.