Thỏa thuận ly hôn ‘bằng miệng’ có giá trị pháp lý không?
Hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về việc ly hôn? Thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" có giá trị pháp lý không?
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS, theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định thì ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nghĩa là, quan hệ vợ chồng được chấm dứt khi có một quyết định bằng văn bản hay một bản án của Tòa xác nhận việc chấm dứt quan hệ đó.
Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, nếu trong trường hợp vợ chồng yêu cầu ly hôn mà xét thấy hai bên thật tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. Theo đó, nếu các bên đã thỏa thuận được việc ly hôn thì cần phải có đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Bởi vì, theo Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì thì quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, đối chiếu theo các quy định của pháp luật thì việc thỏa thuận ly hôn bằng miệng là chưa đủ làm căn cứ chấm dứt quan hệ hôn nhân. Trong trường hợp này, chưa có quyết định, bản án của Tòa án nên quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì chung sống như vợ chồng với người khác được hiểu là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Ngoài ra, tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, cấm các hành vi “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;…”. Như vậy nếu trong trường hợp đang có vợ hoặc chồng hoặc tình trạng chỉ mới là ly thân lại chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ được co là hành vi vi phạm pháp luật về chế độ hôn nhân một vợ một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ thực hiện hành vi sống chung như vợ chồng với người đang có vợ hoặc có chồng mà đã nộp đơn ly hôn mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù.