Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 22/04/2022 10:35 (GMT+7)

Làm giá cổ phiếu thu lợi bất chính bị xử lý thế nào?

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi làm giá cổ phiếu thu lợi bất chính bị xử lý thế nào? Những người bị thiệt hại do hành vi này gây ra có được bồi thường không?

Về vấn đề nêu trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi làm giá cổ phiếu thu lợi bất chính thuộc nhóm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, các hành vi này bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể là:

(i) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

(ii) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

(iii) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

(iv) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

(v) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

(vi) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi làm giá cổ phiếu nói riêng và hành vi thao túng thị trường chứng khoán nói chung có thể bị xử lý về hành chính và hình sự. Cụ thể:

Về hình sự

Cá nhân, pháp nhân thương mại nào có hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với cá nhân phạm tội, người thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán trên thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Người thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán trên sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán trên sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán trên sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán trên sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm hoặc gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Về hành chính

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP). Cụ thể, về phạt tiền, phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, thấp hơn 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Người bị thiệt hại có được bồi thường? 

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, khoản 1 Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trong trường hợp cá nhân/pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi làm giá cổ phiếu, thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư bị thiệt hại sẽ được cá nhân/pháp nhân vi phạm bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể mức bồi thường cho nhà đầu tư bị thiệt hại đối với cá nhân/pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi làm giá cổ phiếu, thao túng thị trường chứng khoán mà chỉ quy định “Chủ thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, thực hiện các trách nhiệm dân sự khác theo thỏa thuận, theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan” (khoản 2, Điều 133 Luật Chứng khoán năm 2019).

Theo đó, các cơ sở pháp lý để xác định bồi thường thiệt hại được quy định tại Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ thiệt hại, các khoản thiệt hại gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản trực tiếp mà bên bị thiệt hại đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Đối với hoạt động mua bán hàng hóa thông thường thì xác định thiệt hại có thể dựa trên giá trị hàng hóa giao nhận, thời điểm giao kết, thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Nhưng trong giao dịch chứng khoán, việc định lượng các yếu tố đó là vô cùng khó khăn, bởi giá trị giao dịch của chứng khoán thay đổi thường xuyên, liên tục. 

Theo quy định tại Điều 133 Luật Chứng khoán năm 2019, trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bị xâm phạm hoặc có tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam thì việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp hoặc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư có thể giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài, Tòa án giải quyết. Nhà đầu tư cần xác định giá trị tranh chấp, lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp, để bảo đảm quyền lợi của mình.

Cùng chuyên mục

Một số vấn đề pháp lý vụ trẻ tử vong trên đưa đón học sinh
Việc đưa đón học sinh mầm non, tiểu học là một quá trình đòi hỏi phải có quy tắc đảm bảo an toàn, người thực hiện việc đưa đón phải là những người có trình độ, kĩ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm.  Chỉ cần thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình tổ chức thực hiện việc đưa đón học sinh hoặc người được giao quản lý việc đưa đón học sinh thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy trình là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cần đảm bảo tính răn đe trong xử lý các hành vi xâm phạm, mua bán thông tin cá nhân
Theo Luật sư, các quy định về hình thức xử phạt đối với những hành vi xâm phạm thông tin cá nhân hiện nay có thể chưa đảm bảo tính răn đe. Trong khi hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể rất nghiêm trọng, gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, an toàn và cả tính mạng của không chỉ một mà có thể là nhiều nạn nhân. Do đó, cần xử lý nặng, tăng mức phạt đối với các hành vi mua bán thông tin cá nhân.
Một số rủi ro khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức ‘Hợp đồng ủy quyền’
Có thể nói, hiện nay việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở được thực hiện thông qua hình thức “Hợp đồng ủy quyền” là tương đối phổ biến. Nội dung này có mục đích hợp pháp hóa các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất mà các bên chủ thể chưa đủ điều kiện hoặc vì một lý do nào đó mà không làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký kết một hợp đồng ủy quyền, giao cho bên nhận ủy quyền được toàn quyền đoạt tài sản.
Hành vi xem bói có thể bị phạt tù tới 10 năm
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, liên quan đến nhóm hành vi về hoạt động xem bói thì hiện nay tùy mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi sẽ có các chế tài xử lý hành chính hoặc hình sự. Với mức xử phạt hình sự, hành vi bói toán có thể đối diện mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù, phạt tiền đến 50 triệu đồng.
Kẻ ép bé trai 3 tuổi hút ma túy đối diện án tù 20 năm
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy người này ép buộc cháu bé 3 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và hình phạt có thể tới 20 năm tù.

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.