Bản án nào dành cho nữ sinh đầu độc sát hại bố đẻ?
Luật sư cho rằng, hành vi của nữ sinh đầu độc bố đẻ có đủ yếu tố cấu thành tội danh “Giết người”, các tình tiết tăng nặng theo điểm đ, điểm l khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự về “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”.
Liên quan đến vụ việc một người đàn ông tại Bà Rịa-Vũng Tàu bị đầu độc, giấu xác, đốt nhà tạo hiện trường giả lại một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ trong những ngày giáp Tết. Theo đó, hung thủ không phải người xa lạ mà chính là Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi), con gái của nạn nhân.
Vậy, với hành vi mất nhân tính ấy, bản án thích đáng nào sẽ dành cho nữ sinh đầu độc sát hại bố đẻ?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc này, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Căn cứ lời khai của Linh mà cơ quan điều tra cung cấp, tôi cho rằng hành vi của Tống Thị Tùng Linh có đủ yếu tố cấu thành tội danh “Giết người”, các tình tiết tăng nặng theo điểm đ, điểm l khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự đối với hành vi “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Linh có thể bị truy tố về hành vi hủy hoại tài sản khi dùng xăng tự đốt nhà để tạo hiện trường giả theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự đối với hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản để che dấu tội phạm khác”.
Đáng lên án ở đây là hành vi máu lạnh của kẻ giết người, dùng chất độc xyanua để tước đi mạng sống của chính cha ruột mình. Đây là trường hợp giết người mang tính phản trắc, bội bạc, giết người đã sinh thành nuôi nấng mà đáng nhẽ ra kẻ phạm tội phải biết ơn, kính trọng.
Theo như lời khai, Linh hòa chất độc xyanua vào 03 chai nước lạnh rồi để trong tủ lạnh. Đối với tình tiết này có thể xem xét hành vi giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người. Bởi dù cho mục đích của Linh chỉ hướng đến cha mình nhưng việc hòa chất độc vào cả ba chai nước trong tủ lạnh có thể những người khác uống phải đều gây tử vong. Đối với hành vi giết người cùng các tình tiết tăng nặng nêu trên, có thể Linh sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Liên hệ với những vụ án gây bức xúc trong xã hội thời gian gần đây, Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, thực tế đáng buồn mà chúng ta đang đối mặt, gần đây hàng loạt những vụ án về bạo hành, giết người liên tục xảy ra khiến dư luận xã hội phẫn nộ, lên án gay gắt. Đồng thời cũng thất vọng, hụt hẫng bởi những vụ án đều bắt nguồn từ suy thoái đạo đức của kẻ phạm tội. Đó là: vụ việc “mẹ kế đánh con gái 08 tuổi tử vong ở thành phố Hồ Chí Minh được cha đẻ che giấu”, “bé gái 03 tuổi bị nhân tình của mẹ cắm 09 cây đinh vào đầu tại Thạch Thất”, “bé gái 12 tuổi bị cha dượng xâm hại, mẹ ruột bạo hành ở Xuân Đỉnh”, “cha dượng bạo hành bé trai 05 tuổi ở Bình Dương”, “người bố dùng đũa đánh con lớp 1 đến chết tại Hà Nội” và gần đây nhất là vụ “thiếu nữ Vũng Tàu dùng xyanua đầu độc chết chính bố để mình”.
Những vụ việc liên tiếp xảy ra như từng hồi chuông dần đều vang lên cảnh báo chúng ta về sự suy đồi, xuống cấp đạo đức trong xã hội thời gian gần đây. Những giá trị tự nhiên, thiêng liêng là “tình mẫu tử, tình cha con, tình thương đồng loại giữa người với người” đáng nhẽ được tôn thờ thì đều bị bị xâm phạm.
Trước hiện trạng này, sâu trong lương tri con người hẳn đều bàng hoàng và đau lòng về vấn đề “xuống cấp đạo đức”.
"Tôi cho rằng khi tần xuất những vụ việc như trên xuất hiện liên tục sẽ gây tác động tiêu cực tới đạo đức xã hội. Điều đó hoàn toàn là có thể nếu như chúng ta không sớm đưa ra phương án để giải quyết vấn đề này. Chúng ta sống trong chế độ Nhà nước pháp quyền, đề cao thượng tôn pháp luật. Trong vụ án trên, pháp luật là công cụ mà Nhà nước sử dụng để cưỡng chế nghiêm khắc như phạt tù, tử hình… thì đạo đức lại được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp mang tính xã hội và thường ít nghiêm khắc hơn. Sự lên án của xã hội triền miên, day dứt, thậm chí suốt cả cuộc đời người phạm tội. Vậy nên, suy cho cùng trong xã hội cần song hành cả pháp luật và đạo đức”, Luật sư Tùng bày tỏ quan điểm.