Vụ clip 'nóng' bị phát tán: Trường hợp nào thì được thu giữ điện thoại của công dân?
Cần làm rõ có việc chiến sĩ Công án khám điện thoại của nữ diễn viên hay không, việc thu giữ, khám xét này có đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hay không, mục đích của việc khám xét là gì?
Liên quan đến vụ việc đoạn clip dài khoảng 8 phút, quay lại cảnh ân ái giữa V.T.A.T. (23 tuổi) và một người đàn ông đã bị phát tán trên mạng xã hội. Lãnh đạo Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, tối ngày 27/5, đơn vị này nhận được thông tin trình báo của chị V.T.A.T. (sinh năm 1998, tạm trú trên địa bàn phường) về sự việc chị bị phát tán clip nóng. Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh thông tin trên.
Được biết, clip này bị phát tán trên mạng xã hội sau khi chị T. làm việc với Công an phường sở tại.
Cụ thể, tối 26/5, chị cùng nhóm bạn bị Công an phường đưa về trụ sở làm việc do bật nhạc lớn trong khi ăn uống tại nhà. Tại trụ sở, T. được yêu cầu nộp điện thoại và cung cấp mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Sau khi làm việc xong, họ được trả lại điện thoại và cho về. Sáng hôm sau, cô gái hoảng hốt khi bạn bè thông báo clip đó bị lan truyền. Sau đó, T. gọi điện cho cán bộ Công an làm việc trực tiếp với mình tối hôm trước để trao đổi về vụ việc và được trả lời rằng Công an sẽ xác minh nguyên nhân.
Hiện tại, Công an TP. cũng đã vào cuộc điều tra xác minh nguồn gốc sự việc.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý xoay quan vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết clip được lan truyền trên mạng xã hội rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khoẻ của những người bị lộ thông tin cá nhân. Bởi vậy trong trường hợp này, hai người trong clip bị xâm phạm bí mật đời tư cá nhân có quyền làm đơn trình báo tố giác tội phạm đề nghị xem xét xử lý đối với những người đã chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân và đăng tải trái phép trên mạng xã hội. Trường hợp không có đơn trình báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ ai đã phát tán clip này lên mạng xã hội để xử lý theo quy định pháp luật.
Gây mất an ninh trật tự mà thu giữ điện thoại cá nhân là chưa đủ cơ sở?
Theo Luật sư Cường, người vi phạm pháp luật có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi gây mất an ninh trật tự mà chưa đến mức nghiêm trọng, chưa nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử phạt hành chính. Còn trường hợp gây mất an ninh trật tự như đánh nhau, gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Theo thông tin sự việc ở trên thì cô gái cho biết mình và một số người bạn bật nhạc to, bị hàng xóm phản ánh nên đã bị công an mời lên làm việc. Nếu thông tin cô gái là trình bày là đúng thì đây chỉ là vi phạm hành chính, vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Cụ thể theo Điều 17, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức xử phạt vi phạm các quy định về tiếng ồn như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA. 5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA. 6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA. 7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA. 8. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA. 9. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA. 10. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 7, 8 và 9 Điều này. 11. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. |
Như vậy, hành vi vi phạm về tiếng ồn như cô gái trình bày thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính, hợp phát hiện có hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính về tiếng ồn, về an ninh trật tự, an toàn xã hội Cơ quan Công an có thẩm quyền có quyền triệu tập cá nhân có vi phạm lên làm việc để làm rõ hành vi vi phạm. Thủ tục xử lý vi phạm hành chính sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 12, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một số hành vi bị cấm trong xử lý vi phạm hành chính, trong đó có hành vi: “Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính".
Tại Điều 12, Tuyên bố quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948 quy định: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”. Đây là tiền đề, là nền tảng cơ bản để các quốc gia cố gắng đạt đến chuẩn mực chung này. Ở nước ta, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 38, khoản 1 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…”.
Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình 1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. 3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. 4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. |
Như vậy, trong trường hợp cô gái kia gây ra tiếng ồn thì sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, đời sống bí mật cá nhân, thư tín, điện tín, điện thoại vẫn được pháp luật bảo vệ trên cơ sở các quy định về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các công cụ, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm có thể bị thu giữ để làm căn cứ xử lý cũng như để thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Trong trường hợp này, theo Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thì Cơ quan công an có thẩm quyền chỉ được tiến hành việc khám đồ vật theo thủ tục hành chính khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Khi đó chỉ có Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền mới có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật này.
Còn chiến sĩ Công an nhân dân chỉ được khám xét trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy và cán bộ này phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám. Khi tiến hành khám đồ vật phải có mặt chủ đồ vật và 01 người chứng kiến; trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 02 người chứng kiến. Mọi trường hợp khám đồ vật đều phải lập biên bản. Quyết định khám và biên bản phải giao cho chủ đồ vật 01 bản theo quy định tại khoản 3,4 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Trong trường hợp thu giữ điện thoại của người vi phạm hành chính hoặc thậm chí vi phạm pháp luật hình sự thì cơ quan thu giữ phải lập biên bản thu giữ và giao cho người bị thu giữ một bản. Điện thoại đều thu giữ sẽ phải niêm phong phải có chữ ký của các bên (đương sự và cơ quan chức năng) và người làm chứng. Khi mở niêm phong phải có sự chứng kiến của các bên và những người có liên quan. Khi kiểm tra điện thoại phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phải mở công khai cùng kiểm tra và phải lập biên bản và ghi nhận những thông tin có trong điện thoại. Khi kiểm tra xong phải niêm phong lại điện thoại. Sau khi kiểm tra điện thoại nếu có nghi ngờ là công cụ phương tiện phạm tội hoặc thể hiện thông tin vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng sẽ bàn giao trả lại cho người vi phạm trừ trường hợp điện thoại đó là vật chứng của vụ án cần thu giữ, tiêu hủy hoặc bán đấu giá.
Nếu điện thoại, tư trang cá nhân hoặc các vật dụng khác không liên quan đến hành vi vi phạm, không liên quan đến tội phạm thì không được phép thu giữ.
"Do đó, căn cứ vào quy định trên thì trong vụ việc này cần làm rõ có việc chiến sĩ công án khám điện thoại của nữ diễn viên hay không, việc thu giữ, khám xét này có đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hay không, mục đích của việc khám xét là gì? Trong trường hợp nữ diễn viên nghi ngờ cán bộ này khám xét không đúng quy định thì có quyền khiếu nại hoặc tố cáo, hoặc khởi kiện cán bộ công an theo quy định pháp luật", Luật sư Cường nói.
Trong trường hợp lời khai của nữ diễn viên là đúng, có hành vi thu giữ điện thoại không có căn cứ, trái quy định của pháp luật thì cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, trường hợp nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng cũng sẽ xác định clip sex này có phải là trong chiếc điện thoại của nữ diễn viên này hay không, việc lưu trữ clip này nhằm mục đích gì. Ai là người đã thực hiện hành vi phát tán clip sex này lên mạng xã hội? Hành vi chia sẻ, lan truyền trên mạng có dấu hiệu truyền bá văn hóa đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy 1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB); b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB); c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh; d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị; đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người; e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi; g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; h) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên; b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên; d) Phổ biến cho 101 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Nếu clip là do nữ diễn viên này tự quay nhưng nhằm mục đích làm kỷ niệm chứ không nhằm phổ biến thì việc ghi hình trong trường hợp này là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người nào đã đăng tải clip này lên mạng xã hội khiến rất nhiều người truy cập, tiếp cận thì hành vi của người đăng tải lên mạng xã hội là hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên.
Luật sư Cương cho biết thêm, trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ có việc vi phạm hành chính của nữ diễn viên này hay không, có hành vi thu giữ điện thoại và thu thập, sử dụng, chia sẻ trái phép dữ liệu cá nhân trong đó có clip sex của nữ diễn viên này hay không để có căn cứ xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Nếu có việc xử lý vi phạm hành chính không đúng quy định, làm lộ thông tin cá nhân, thậm chí là hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì cán bộ, chiến sĩ vi phạm sẽ bị kỷ luật phải bị phạt hành chính và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp có căn cứ cho thấy, người đăng tải clip sex này với mục đích là nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của những người trong clip thì hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 155. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |