Trạm thu phí cao tốc đổi kẹo thay tiền lẻ: Đúng hay sai?
Luật sư cho rằng, luật không cấm việc trả phí thay bằng hiện vật nên việc làm trên cũng không trái quy định.
Đồng thời, việc đưa tiền và trả tiền sử dụng dịch vụ là quan hệ thuận mua vừa bán, do đó nếu tài xế đồng ý nhận kẹo và không có khiếu nại thì giao dịch hoàn thành và được công nhận.
Những ngày vừa qua, vụ việc trạm thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành trả tiền thừa cho khách bằng kẹo mà báo chí phản ánh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và chú ý từ dư luận.
Lý giải về việc này, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) cho hay, do đặc điểm thay đổi, mức phí của tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trở nên rất lẻ: 9.000 đồng, 19.000 đồng, 29.000 đồng, 39.000 đồng, 49.000 đồng, 59.000 đồng, 69.000 đồng, 79.000 đồng, 88.000 đồng, 98.000 đồng… Bên cạnh đó, thời gian thay đổi mức phí vào cận Tết, các ngân hàng phục vụ một mặt đã đóng cửa kho quỹ, mặt khác cũng không chuẩn bị trước khối lượng lớn tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, đường cao tốc buộc phải lựa chọn phương án dùng kẹo để trả lại tiền thừa (như các siêu thị thường làm). VEC-E cũng cho biết, đây là phương án tạm thời áp dụng trong thời gian trước mắt cho đến khi các ngân hàng có thể cung ứng kịp thời lượng tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, dự kiến là ngày 07/02 (mùng 7 tháng Giêng).
Tuy nhiên, việc làm này của VEC-E liệu đã làm đúng với quy định của pháp luật hay chưa? Nếu chưa thì sẽ bị xử lý thế nào đang là câu hỏi được nhiều người để tâm.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, ngày 28/01, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kể từ ngày 01/02/2022, thuế suất VAT sẽ giảm từ 10% xuống còn 08%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, việc trả kẹo xuất phát từ thực tế khách quan do phía Ngân hàng và doanh nghiệp thu phí chưa chuẩn bị kịp tiền lẻ để trả lại phí cho tài xế qua trạm.
Luật sư cho rằng, luật không cấm việc trả phí thay bằng hiện vật nên việc làm trên cũng không trái quy định. Đồng thời, việc đưa tiền và trả tiền sử dụng dịch vụ là quan hệ thuận mua vừa bán, do đó nếu tài xế đồng ý nhận kẹo và không có khiếu nại thì giao dịch hoàn thành và được công nhận.
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp thu phí cũng nhận thấy bất cập này và cũng chỉ áp dụng tạm thời. Việc chuẩn bị mệnh giá tiền để trả hoặc chuyển khoản lại số tiền lẻ cho tài xế sẽ được thực hiện sau đó.
Tuy nhiên, Luật sư cũng cho biết, nếu hành vi trả tiền thừa cho khách bằng kẹo có mục đích tư lợi riêng với số tiền thu bất chính là số tiền lớn thì có thể sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.