Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 26/05/2022 11:25 (GMT+7)

Khó khăn trong xử lý tội ‘Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản’

Theo dõi GĐ&PL trên

Tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. Bài viết này phân tích cấu thành, đưa ra một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục những vướng mắc đó .

Cấu thành tội "Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản"

Khách thể của tội phạm này là các quy định của Nhà nước đảm bảo trật tự quản lý kinh tế, không thuộc các quy định trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại hay tài chính, thuế, ngân hàng, bảo hiểm. Khách thể trực tiếp là quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản. Quy định này được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Lâm nghiệp 217, Luật Đa dạng sinh học 2008; Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT… và các Công ước quốc tế có liên quan.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo Luật Lâm nghiệp 2017, rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên; lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến.

Rừng và lâm sản là đối tượng tác động của tội phạm này. Hiện nay, nước ta có khoảng 12.000 loại cây khác nhau và có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Về mặt khách quan, hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm: (i) Hành vi khai thác trái phép cây rừng: Đây là hành vi khai thác không đúng quy định, khai thác ngoài khu vực cho phép, khai thác vượt quá giới hạn…; (ii) Hành vi khác vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng: Là những hành vi ngoài hành vi khai thác như tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép gỗ, lâm sản… Các hành vi này phải không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 (hành vi hủy hoại rừng).

Ngoài ra, hậu quả được xác định dựa trên khối lượng đối tượng của hành vi, mức độ thiệt hại của đối tượng. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại. Đối với cá nhân, phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Có nhiều động cơ, mục đích để thực hiện tội phạm nhưng đây không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, trong đó chủ yếu là mục đích thu lợi bất chính.

Một số khó khăn trong việc xử lý tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản"

Định tội danh chưa chính xác

Trên thực tế, việc định tội danh còn nhiều lúng túng, không ít các trường hợp còn nhầm dẫn với các tội phạm khác. Ví dụ: A, B, C cùng có hành vi khai thác trái phép 01 cây gỗ xoan mộc (thuộc nhóm gỗ VI) tại khu vực rừng phòng hộ thuộc địa phận xã H, huyện K, tỉnh Y. Cây gỗ này có khối lượng 33,311m3, giá trị là 166.555.000 đồng. Tại thời điểm xảy ra hành vi, cây gỗ này đã chết. Quan điểm thứ nhất cho rằng: A, B, C phạm Tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" (Thực tế Tòa án đã xét xử vụ việc này với tội danh này). Quan điểm thứ hai cho rằng: A, B, C phạm tội trộm cắp tài sản bởi lẽ đối tượng của hành vi là cây gỗ “đã chết”.

Như đã phân tích, khách thể của tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" là trật tự quản lý kinh tế. Đối tượng của tội phạm này là thực vật rừng, là những loại có giá trị về khoa học, môi trường hoặc kinh tế. Điều này khác hoàn toàn nhóm tội xâm phạm sở hữu là hướng đến yếu tố “chiếm đoạt tài sản”. Theo quy định của điều luật “ Khai thác trái phép...” cần hiểu là đã được phép hoặc có quyền khai thác nhưng lại khai thác trái với giấy phép được cấp và không có mục đích chiếm đoạt thì mới phạm tội theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015. Còn cùng với hành vi đó nhưng mục đích là chiếm đoạt thì phải xác định là xâm phạm sở hữu. Tài sản này tuy không thuộc về cá nhân, tổ chức nào nhưng được nhà nước xác lập quyền sở hữu và Ban quản lý rừng và Hạt kiểm lâm là đại diện cho nhà nước. Từ đó ta cần xác định tư cách tố tụng các cơ quan, tổ chức được giao quản lý rừng là bị hại. Do đó, trong ví dụ trên, các bị cáo phạm tội Trộm cắp tài sản nhưng không phải với lý do là cây gỗ đã chết mà do mục đích chiếm đoạt.

Giám định và định giá tang vật, vật chứng

Chủ thể giám định

Việc trưng cầu giám định có thể gửi đến các cơ quan khoa học CITES và kết quả giám định của một trong số các cơ quan đó đều có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay thông tin về cơ quan này còn thiếu, Bộ NN và PTNT chưa có văn bản chỉ định cơ quan khoa học CITES nên gặp khó khăn trong việc cơ quan chức năng gửi yêu cầu giám định. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cũng chưa tốt, dẫn đến việc một yêu cầu giám định được gửi dến nhiều nơi, kéo theo việc kết quả giám định bị chồng chéo, không thống nhất.

Năng lực giám định

Có nhiều vụ án, khi bắt giữ một số lượng gỗ lớn đang được vận chuyển nhưng cả lực lượng Kiểm lâm và Cơ quan điều tra đều không thể xác định được là gỗ gì và thuộc nhóm gỗ nào? Có thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA hay không? Lực lượng giám định ở hầu hết các địa phương đều không có đủ phương tiện kỹ thuật và khả năng chuyên môn để thực hiện công tác giám định nhằm xác định chính xác tên và nhóm gỗ, nhất là khi số gỗ này đã được khai thác từ lâu. Số lượng chuyên gia còn mỏng, số vụ việc nhiều… Chưa có quy định cụ thể về quy trình, thời gian, cách thức lấy mẫu… Chưa có chế tài, thanh tra, xử lý vi phạm…

Định giá thực vật rừng

Điều kiện định lượng cơ bản để truy cứu trách nhiệm hình sự là giá trị của đối tượng. Giá trị này được định giá bằng đơn vị tiền Việt Nam đồng. Gỗ, thực vật rừng thu được từ các vụ án này thông thường nằm ngoài danh mục tại các phụ lục của Công ước CITES. Theo Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, việc định giá tài sản không phải hàng cấm dựa trên ít nhất một các căn cứ: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá; Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình định giá, các cơ quan, địa phương lại đưa ra các căn cứ, mức định giá khác nhau, cá biệt có nơi không đưa ra căn cứ cụ thể.

Xử lý chủ rừng khi để xảy ra hành vi

Hiện nay, là rừng được giao cho các Lâm trường, Ban quản lý và cho Ủy ban nhân dân các xã quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, diện tích rừng này đã được giao bằng một quyết định từ rất lâu và hầu như các số liệu về diện tích, thực trạng rừng chỉ là những số liệu nằm trên giấy. Trong khi đó, Lãnh đạo của các Lâm trường, Ban quản lý và Ủy ban nhân dân các xã được thay đổi, luân chuyển liên tục và khi bàn giao lại cho người tiền nhiệm thì cũng chỉ diễn ra trên hồ sơ, thủ tục giấy tờ [1]. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là khi có một vụ việc liên quan đến hành vi phá rừng, hủy hoại rừng hoặc khai thác gỗ trái phép trong một thời gian dài mới bị phát hiện, điều tra và xử lý thì các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để truy trách nhiệm cho người lãnh đạo nào vì không thể giám định được cụ thể từng gốc cây, khoảnh rừng bị khai thác, hủy hoại vào thời điểm nào. Từ đó, tuy có hành vi phạm tội xảy ra nhưng không thể xem xét xử lý được các chủ rừng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự mặc dù hậu quả gây ra là rất lớn.

Xử lý vật chứng

Trong các vụ án hình sự về vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015), vật chứng là gỗ được phát hiện và thu giữ trong các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, dẫn đến việc áp dụng biện pháp tư pháp khi xử lý vật chứng trong từng vụ án có sự khác nhau. Có người cho rằng vật chứng là gỗ đã được phát hiện và thu giữ thì căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khối lượng lâm sản (tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước) do các đối tượng phạm tội khai thác trái phép, đang bị tạm giữ và đó là tài sản do phạm tội mà có. Nhưng có người cho rằng căn cứ điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi xét xử cần giao vật chứng (khối lượng lâm sản) đã bị các đối tượng phạm tội khai thác trái phép cho chủ rừng (người quản lý hợp pháp). Chủ rừng có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với số gỗ (lâm sản) đã bị thu giữ để xử lý theo quy định.

Một số đề xuất tháo gỡ khó khăn

Thứ nhất, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thống nhất nhận thức của các chủ thể tiến hành tố tụng đối với việc nhận định tính chất nguy hiểm và khách thể trực tiếp của tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản". Ngoài ra, tổ chức rút kinh nghiệm, tổ chức đào tạo, chương trình tập huấn để nâng cao năng lực của đội ngũ chủ thể tiến hành tố tụng.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần sớm ban hành văn bản, chỉ định rõ cơ quan khoa học CITES. Có quy định rõ cơ chế phối hợp, văn bản hướng dẫn quy trình, cách thức, thời gian lấy mẫu, giám định. Ban hành cơ chế kiểm tra, xử lý vi phạm…

Thứ ba, tăng cường đào tạo chuyên gia, nâng cao kỹ năng, năng lực chuyên môn cho lực lượng giám định.

Thứ tư, khi xử lý vật chứng là lâm sản thuộc sở hữu Nhà nước đã xác định được chủ quản lý hợp pháp, cần căn cứ thực trạng của vật chứng đã và đang được bảo quản trên thực tế để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu vật chứng là lâm sản vẫn được để ở trong khu vực thuộc quản lý của chủ rừng thì giao cho Chủ rừng (tức người quản lý hợp pháp) có trách nhiệm phối hợp với Kiểm lâm quản lý và bảo quản theo quy định; trường hợp vật chứng đã được vận chuyển ra khỏi rừng (ngoài hiện trường) thì tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước để tránh việc phải vận chuyển, bảo quản tốn kém không cần thiết. Các cơ quan liên ngành trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để việc xử lý vật chứng được thống nhất.

Cùng chuyên mục

Cần đảm bảo tính răn đe trong xử lý các hành vi xâm phạm, mua bán thông tin cá nhân
Theo Luật sư, các quy định về hình thức xử phạt đối với những hành vi xâm phạm thông tin cá nhân hiện nay có thể chưa đảm bảo tính răn đe. Trong khi hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể rất nghiêm trọng, gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, an toàn và cả tính mạng của không chỉ một mà có thể là nhiều nạn nhân. Do đó, cần xử lý nặng, tăng mức phạt đối với các hành vi mua bán thông tin cá nhân.
Một số rủi ro khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức ‘Hợp đồng ủy quyền’
Có thể nói, hiện nay việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở được thực hiện thông qua hình thức “Hợp đồng ủy quyền” là tương đối phổ biến. Nội dung này có mục đích hợp pháp hóa các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất mà các bên chủ thể chưa đủ điều kiện hoặc vì một lý do nào đó mà không làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký kết một hợp đồng ủy quyền, giao cho bên nhận ủy quyền được toàn quyền đoạt tài sản.
Hành vi xem bói có thể bị phạt tù tới 10 năm
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, liên quan đến nhóm hành vi về hoạt động xem bói thì hiện nay tùy mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi sẽ có các chế tài xử lý hành chính hoặc hình sự. Với mức xử phạt hình sự, hành vi bói toán có thể đối diện mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù, phạt tiền đến 50 triệu đồng.
Kẻ ép bé trai 3 tuổi hút ma túy đối diện án tù 20 năm
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy người này ép buộc cháu bé 3 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và hình phạt có thể tới 20 năm tù.

Tin mới