Đồ uống tốt cho người bệnh mắc cúm A
Người mắc cúm A cần bổ sung dưỡng chất theo những quy tắc như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu và uống nhiều nước.
Người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn, vì vậy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến cho quá trình hồi phục của người bệnh kéo dài hơn.
Do đó, ngoài việc tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần đảm bảo bổ sung dưỡng chất theo những quy tắc như ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu và uống nhiều nước.
1. Bệnh dễ nhận biết
Theo BSCKI Hà Duy Cường (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn), bệnh cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết với các triệu chứng như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Các triệu chứng này thường tự hết mà không cần điều trị đặc biệt.
Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này kéo dài nhiều ngày và không cải thiện, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng. Vì khi chuyển sang giai đoạn nặng của cúm A, người bệnh có thể bị viêm não, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp, sốt, biến chứng đường tiêu hóa (ít gặp)…
Những dấu hiệu chuyển nặng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em gồm thở nhanh, thở rút lõm ngực, tím tái, hôn mê, co giật, nói sảng…
2. Đồ uống tốt cho sức khỏe người mắc cúm A
2.1 Nước lọc
Khi bị cúm A, người bệnh cần được bổ sung nước nhiều hơn bình thường do cơ thể bị mất nước vì sốt, đổ mồ hôi, ăn ít… Người bệnh luôn cảm thấy háo nước, lúc này cần cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nước lọc là cách bổ sung nhanh và đơn giản nhất với người bệnh. Để một chai nước hoặc cốc thủy tinh lớn bên cạnh để có thể uống nước liên tục trong suốt cả ngày để giữ đủ nước cho cơ thể.
Uống đủ nước là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ đánh bật bệnh cúm A. Uống đủ nước không chỉ giúp giải độc cho cơ thể mà còn giúp làm loãng đờm nhày gây tắc mũi, khó thở… Khi uống đủ chất lỏng sẽ giúp làm lỏng chất nhầy, giảm tắc nghẽn và bổ sung chất điện giải cơ thể đã mất trong quá trình thoát chất nhầy.
2.2 Nước dừa
Nước dừa chứa đầy chất điện giải và glucose, tương tự như dung dịch oresol và thường ít đường hơn đồ uống thể thao. Đây chính là lý do làm cho nó trở thành một lựa chọn có hương vị tuyệt vời để giữ cho bạn đủ nước.
Nước dừa cung cấp nhiều vitamin C, kali, glucose… rất tốt cho người đang bị sốt. Trong đó, vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, còn kali giúp cơ thể giữ nước và nhanh chóng lấy lại năng lượng.
Bên cạnh đó, nước dừa chứa rất ít calo và đường nên những người thừa cân hay người đái tháo đường… khi bị sốt cũng có thể sử dụng nước dừa mà không lo ảnh hưởng tới sức khỏe.
2.3 Nước muối ấm
Khi bị cúm A, nếu cảm thấy mệt mỏi vì cảm giác khó chịu trong cổ họng do chảy dịch mũi sau có thể súc miệng bằng nước muối ấm sẽ cho kết quả tốt.
Nước muối là dung dịch có tính sát khuẩn cao. Súc miệng nước muối sẽ giúp làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng đồng thời kháng viêm hiệu quả. Kiên trì súc miệng 3-4 lần/ngày với dung dịch nước ấm pha loãng cùng muối tinh sẽ nhanh chóng đẩy lùi bệnh.
2.4 Trà gừng
Các hợp chất của gừng được biết đến với tác dụng ngăn chặn vi khuẩn. Thêm vào đó, lợi ích chống viêm của gừng do một hợp chất được gọi là gingerol có thể làm giảm đau cơ và đau đầu.
Ngâm gừng tươi (gọt vỏ và thái lát) trong nước nóng trong 5 phút. Thêm một ít mật ong hoặc chanh và sử dụng hàng ngày sẽ có tác dụng giúp đẩy lùi bệnh cúm.
Trà gừng giúp giảm đau cơ, đau đầu.
2.5 Nước chanh ấm
Nếu không thích vị gừng, có thể pha nước ấm với chanh và mật ong cũng hữu ích. Chất lỏng ấm sẽ giữ cho cơ thể đủ nước và có thể làm lỏng chất nhầy để giảm cảm giác tắc nghẽn ở mũi.
Thêm vào đó, chanh có chứa vitamin C, giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch. Loại đồ uống này cũng cho phép cơ thể sản sinh các kháng thể tự gắn với virus và vi khuẩn để đánh dấu và tiêu diệt chúng.
3. Không nên uống gì?
3.1 Sữa
Tốt nhất bạn nên bỏ qua các sản phẩm sữa, kem, sữa chua và pho mát vì tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa khi bị tắc nghẽn mũi họng có thể dẫn đến cảm giác đờm đặc hơn và khó thoát ra ngoài. Sữa cũng làm gia tăng sự sản sinh dịch nhầy trong phổi, khiến người bệnh ho nhiều hơn.
3.2 Rượu và cà phê
Rượu là chất kích thích, chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe người bị cảm cúm, chẳng hạn như đường, làm vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Uống rượu, bia hoặc bất kỳ đồ uống có cồn nào khác dẫn đến mất nước. Điều này có thể dẫn đến cảm giác "nhồi nhét" và tắc nghẽn nhiều hơn. Hơn nữa rượu còn gây ra rất nhiều áp lực lên gan, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cơ thể khi đang bệnh.
Ngoài ra, người bị cảm cúm nên kiêng cà phê và soda. Nguyên nhân soda chứa nhiều đường, có thể tăng hàm lượng glucose trong máu, không tốt cho sức khỏe.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
Cần tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan... nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu xác định mắc cúm thì cần cách ly và đeo khẩu trang.
Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính… Cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.