Sữa lúa mạch Nestlé Milo: Nestlé Việt Nam ‘lập lờ’ trong việc gắn mác Viện Dinh dưỡng để quảng bá?
Hai trong ba nội dung của đề tài nghiên cứu “không ghi nhận hiệu quả cải thiện”, nội dung còn lại không thể hiện rõ ràng, nhưng Nestlé Việt Nam đã “khéo léo” sử dụng để quảng bá sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo cùng cụm từ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”.
Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), đó là đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”, được thực hiện bởi Viện Dinh dưỡng và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (gọi tắt là Nestlé Việt Nam) giai đoạn 2022-2023.
Ba nội dung nghiên cứu: Hai không hiệu quả, một không ghi nhận rõ ràng!
Trong Văn bản số 415/VĐ-TTGDTT ngày 7.5 của Viện Dinh dưỡng gửi báo chí, cơ quan này cho biết kết quả nghiên cứu khoa học được công nhận theo Quyết định số 486/QĐ-VDD ngày 27.4.2023, kết luận 3 nội dung nghiên cứu, cụ thể:
(1) Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu.
(2) Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu.
(3) Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực cho học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu.

Như vậy, có đến 2/3 nội dung của nghiên cứu “không ghi nhận hiệu quả”, đó là nội dung (1) và (3).
Còn nội dung thứ (2) không thể hiện rõ là không ghi nhận hay ghi nhận hiệu quả, nhưng đây chính là nội dung mà Nestlé Việt Nam dùng để in trên vỏ sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo, cùng với dòng chữ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” để quảng bá sản phẩm.
Trên vỏ sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo, sau dòng chữ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” là ký tự **. Ký tự ** được giải thích là theo Quyết định 486/QĐ-VDD.
Có lẽ, để rộng đường dư luận, Viện Dinh dưỡng nên thông tin thêm, hoặc thậm chí là công khai kết quả 3 nội dung nghiên cứu để dư luận nắm rõ kết quả của 2 nội dung nghiên cứu, nhất là nội dung thứ 2.
Sự mâu thuẫn của Nestlé Việt Nam
Ngay sau khi bị “phát hiện” gắn mác Viện Dinh dưỡng lên sản phẩm để quảng bá, cũng như sau khi bị cơ quan này có văn bản làm rõ, Nestlé Việt Nam cũng đã có những thông tin xung quanh vấn đề này.
Trên website của mình, Nestlé Việt Nam đã đăng tải văn bản thực hiện bởi Phòng truyền thông đối ngoại ngày 15.5, với tiêu đề “Nestlé Milo sử dụng kết quả nghiên cứu đáng tin cậy của Viện Dinh dưỡng để thông tin đến người tiêu dùng”, trong đó có nội dung:
“Theo Điều 27 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm, chúng tôi hiểu rằng chỉ có các nhóm sản phẩm được quy định tại Điều 26 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, bao gồm “thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi" mới phải đăng ký nội dung quảng cáo.
Do đó, sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé MILO không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và cũng không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.
Dựa trên điều này, Nestlé MILO tự tin rằng việc truyền thông kết quả nghiên cứu do Viện Dinh Dưỡng thực hiện là tuân thủ các quy định liên quan”.

Văn bản không đề cập đến việc dư luận đang quan tâm, là Nestlé Việt Nam gắn mác Viện Dinh dưỡng để quảng bá sản phẩm. Cách mà Nestlé Việt Nam giải thích khi dựa vào Nghị định 15/2018/NĐ-CP dễ khiến cho dư luận hiểu nhầm đây là văn bản quy phạm pháp luật về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm. Trong khi, Nghị định 15/2018/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, còn các quy định về quảng cáo là các điều thuộc Nghị định này.
Và theo cách giải thích của Nestlé Việt Nam, thì Nestlé Milo là “thực phẩm bổ sung” (còn thực chất đây là sản phẩm bổ sung hay sản phẩm bảo vệ sức khỏe, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết khác) nên không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo, thì không có gì phải bàn cãi, nhưng lại mâu thuẫn với những gì mà công ty này đã quảng cáo.
Bởi trên vỏ sản phẩm, Nestlé Việt Nam ghi “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”, trong khi đây là kết quả của nghiên cứu khoa học, mà hai khái niệm này không phải lúc nào cũng đi liền nhau.
Hai khái niệm đó chỉ đi liền nhau nếu trong lĩnh vực y tế nói chung. Khi đó, thử nghiệm lâm sàng là một “ngách” của nghiên cứu khoa học, dùng để đánh giá một phương pháp điều trị mới, một loại thuốc mới hoặc một chế độ ăn uống, hoặc thiết bị mới,… có an toàn và hiệu quả ở người hay không, trước khi đưa vào sử dụng.
“Chỉ là thực phẩm bổ sung, nhưng nhãn hàng lại ghi được thử nghiệm lâm sàng dễ khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm đây là thực phẩm dinh dưỡng y khoa hay thực phẩm chức năng, trong khi chúng là khác nhau”, một bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nhận định.
Trao đổi với truyền thông, TS.BS Nguyễn Hồng Trường - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khẳng định một cách rõ ràng rằng sự hợp tác nghiên cứu khoa học hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Viện Dinh dưỡng bảo chứng cho sản phẩm Milo, hay đưa ra khuyến nghị sử dụng rộng rãi sản phẩm này cho cộng đồng. Việc Nestlé tự ý sử dụng cụm từ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh Dưỡng” trên bao bì, theo Viện Dinh dưỡng, đã tạo ra một ấn tượng sai lệch về sự thẩm định và chứng nhận của cơ quan y tế đối với sản phẩm.