Chưa đỉnh dịch sốt xuất huyết, bệnh viện đã quá tải và lo thiếu thuốc
TP.HCM hiện là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất các tỉnh phía Nam với 18.976 trường hợp và 10 ca tử vong và đang đứng trước nhiều khó khăn trong công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 27/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng, đồng thời ghi nhận thêm một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do SXH tại thành phố lên 10 trường hợp.
Chưa đỉnh dịch, bệnh viện đã quá tải và lo thiếu thuốc
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các ca SXH Dengue tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nên hầu hết các khoa lâm sàng của bệnh viện hiện rất đông bệnh nhân SXH. Sáng ngày 27/6, số ca SXH đang điều trị tại bệnh viện là 394 bệnh nhân, trong đó có 27 ca bệnh nặng và 6 ca đang thở máy đều là người lớn.
Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khẳng định, bệnh viện vẫn còn đầy đủ các loại thuốc cao phân tử, thuốc vận mạch để điều trị tích cực cho bệnh nhân SXH nặng; tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện chính là tình trạng quá tải.
"Chỉ tiêu giường bệnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là 550 giường nhưng hiện nay đang có 739 bệnh nhân điều trị. Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đã quá tải nên những bệnh nhân ở những khoa khác nếu chuyển nặng vẫn phải ở lại khoa để điều trị tích cực", lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), sáng ngày 27/6, bệnh viện đang điều trị cho 130 bệnh nhi SXH, trong đó có 30 trường hợp nặng (2 trường hợp phải thở máy). Nhận định về tình hình dịch bệnh, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp hơn năm trước, có khuynh hướng tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh vào quý 3 năm 2022.
"Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đó là tỷ lệ bệnh nhân nặng, sốc SXH tăng gấp đôi so với năm trước. Cụ thể, trong tháng 5 và 6/2022, trung bình mỗi tháng có hơn 100 ca sốt xuất huyết nặng và sốc, trong khi đó, cùng với thời điểm đỉnh dịch năm 2019 trung bình mỗi tháng chưa đến 20 trường hợp", TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh nói.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, trong quá trình tổ chức khám và điều trị bệnh SXH, bệnh viện gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng các dung dịch cao phân tử như HES 200, Dextran 40, 70 và các thuốc vận mạch như Dopamin. Hiện Bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn và sử dụng tạm thời dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế trong điều trị sốc SXH. Tuy nhiên, dung dịch cao phân tử HES 130 chưa được BHXH chấp thuận cho người bệnh thanh toán BHYT. Theo đó, Bệnh viện đã kiến nghị với Bộ Y tế và Cục Quản lý dược sớm tìm nguồn cung ứng dung dịch cao phân tử và cập nhật phác đồ điều trị SXH.
Còn tại Bệnh viện Quận 8, bác sĩ CKII Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, địa bàn Quận 8 là khu vực có dịch sốt xuất huyết tương đối phức tạp. Khó khăn nhất hiện nay của bệnh viện đó là nhân lực điều trị chủ yếu là bác sĩ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị SXH. Do đó, khả năng theo dõi, điều trị các trường hợp SXH nặng còn hạn chế.
Ngoài ra, Quận 8 có hệ thống kênh rạch khá nhiều dẫn đến công tác rà soát các điểm nguy cơ chưa được toàn diện; tình hình dịch diễn biến phức tạp, nếu không quyết liệt sẽ gia tăng số lượng bệnh nhân nhập viện và có thể gây khó khăn cho công tác điều trị.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng, khả năng các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1,2... quá tải là có thể xảy ra. Do đó, các bệnh viện nên có phương án để sẵn sàng tiếp nhận số lượng bệnh nhân được chuyển về.
Cần phát hiện bệnh sớm, nâng cao năng lực điều trị
Tại buổi làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch SXH chiều ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch sốt xuất huyết đã vượt hơn 100% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt hơn 40% so với đỉnh dịch năm 2019 cả về số ca mắc và số ca tử vong.
"Đây là dấu hiệu hết sức quan ngại, cho thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh bệnh SXH, vẫn còn ca bệnh tay chân miệng, dịch COVID-19, sốt phát ban... Những dịch bệnh chồng chéo này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động điều trị và chẩn đoán bệnh SXH", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh SXH đang rất đáng lo ngại với số ca mắc mới, ca nặng nhập viện, số ca sốc, ca tử vong đều tăng cao hơn so với đỉnh dịch trước đó. Điều đáng lo nhất, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bác sĩ tập trung cho điều trị COVID-19 và số ca mắc SXH tương đối ít nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kiến thức về điều trị SXH. Bên cạnh đó, một số bác sĩ mới ra trường cũng chưa có kinh nghiệm điều trị SXH.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Y tế dự phòng tiếp tục tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở để tham mưu cho chính quyền địa phương tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch SXH. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần xây dựng hoạt động tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết bệnh SXH, những ca nặng cho hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là ở các phòng khám, phòng mạch trên địa bàn thành phố, bởi đây là những đơn vị tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ những tháng đầu tiên của mùa mưa, khi số ca SXH có dấu hiệu tăng cao, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản nêu rõ tình hình, SXH không chỉ là dịch bệnh lưu hành như những năm trước mà đã có những dấu hiệu cảnh báo là sẽ bùng phát nếu không có những biện pháp mạnh mẽ.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành tập huấn cho khối dự phòng về xử lý dịch bệnh và khối điều trị; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra để làm việc với các quận, huyện nhằm trực tiếp phát hiện những khó khăn, tồn tại.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 25 (từ ngày 17/6 đến 23/6/2022), Thành phố ghi nhận 2.548 ca bệnh SXH, tăng 31,6% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do SXH, nâng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay tại TP Hồ Chí Minh là 10 trường hợp, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Số ca bệnh SXH trong tuần 25 tiếp tục tăng cao ở 21/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (trừ Quận 12). Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là: Phường Cô Giang (Quận 1), Phường 11 (Quận 3), Phường 15 (Quận 8), xã An Phú Tây (Bình Chánh), Phường 11 và Phường 22 (quận Bình Thạnh), Phường 1 (quận Gò Vấp).
Hiện tổng số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay tại TP Hồ Chí Minh là 18.976 trường hợp (tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021) với số ca nặng là 311 ca (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021)./.