Một nơi chịu liền 3 trận động đất chỉ trong sáu giờ
3 trận động đất này không gây thiệt hại, nhưng người dân vẫn cảm nhận rõ rệt sự rung lắc.
Một khu vực leo núi nổi tiếng ở Scotland, Vương quốc Anh liên tiếp trải qua 3 trận động đất trong vòng 6 giờ. Người dân địa phương lo lắng khi toàn bộ ngôi nhà đều rung lắc dữ dội như thể "đang có máy giặt quay cực mạnh".
Ngọn đồi Schiehallion, tọa lạc tại Perthshire, Scotland thu hút du khách đến leo núi. Tuy nhiên, nó vừa trở thành tâm điểm địa chấn khi Cơ quan Địa chất Anh (BGS) ghi nhận có đến 3 cơn rung chấn nặng nề.
Trận động đất đầu tiên rơi vào khoảng 6h58, với độ sâu 3 km và cường độ 1.8 độ Richter. Khoảng 5 tiếng sau đó, hai trận động đất nhẹ hơn liên tiếp xảy ra vào lúc 12h14 và 12h16 với độ sâu 4 km và 2 km. Cường độ của hai trận động đất nhẹ này là 0.8 độ Richter và 1.0 độ Richter.

3 trận động đất này đều được phân loại vào mục vi động đất (microquake), nhưng vẫn gây ra những cảm nhận rõ rệt về rung lắc với người dân tại địa phương này.
Trước đó, vào tối ngày 2/4, khu vực ngọn đồi Schiehallion cũng ghi nhận một trận động đất khác có cường độ 1.7 độ Richter. Nó làm rung chuyển nhiều khu vực lân cận khác như Fearnan, Kinloch Rannoch và Tummel Bridge.
Trận động đất này không gây thiệt hại nặng nề. Các rung chấn của nó khiến người dân hốt hoảng. Nhiều người mô tả âm thanh như "tiếng gầm lớn", "ngói trên mái nhà rung lên" và "cả một ngôi nhà như bị xô đẩy".
Tại quốc gia này, hiện tượng động đất ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong năm nay và không diễn ra một cách tự nhiên. Theo nhận định của chuyên gia địa chấn Roger Musson, cựu Trưởng bộ phận Rủi ro Địa chấn và Lưu trữ tại Cơ quan Địa chất Anh, số trận động đất nhỏ xuất hiện liên tục là điều hoàn toàn bình thường và đã được dự đoán từ lâu.

"Có một quy luật đơn giản, cứ mỗi khi độ lớn động đất giảm đi một đơn vị, số lượng tương ứng sẽ tăng gấp 10 lần. Nếu trung bình mỗi năm nước Anh có một trận động đất 3.5 độ Richter thì sẽ có khoảng 10 trận 2.5 độ, 100 trận 1.5 độ và hàng ngàn trận nhỏ hơn nữa. Phần lớn trong số đó yếu đến mức người dân không thể cảm nhận ra, nhưng thiết bị đo lường chuyên dùng vẫn có thể ghi nhận được", Roger Musson cho biết.
Giới chuyên gia nhận định vùng cao nguyên Scotland dù yên bình nhưng cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng của các hoạt động địa chất.