Mùa nóng cao điểm: Cẩn trọng với loạt bệnh nguy hiểm rình rập
Nếu không chủ động phòng ngừa, người dân rất dễ mắc phải các căn bệnh phổ biến trong mùa nóng.
Mùa hè đến mang theo cái nắng gay gắt, thời tiết oi bức, độ ẩm cao – những điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, virus sinh sôi và gây ra hàng loạt bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu không chủ động phòng ngừa, người dân rất dễ mắc phải các căn bệnh phổ biến trong mùa nóng, từ bệnh tiêu hóa, hô hấp đến các vấn đề về da và sốc nhiệt.
Những căn bệnh nguy hiểm rình rập
Thực phẩm dễ ôi thiu trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cùng với thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm, tả và lỵ. Trong đó, ngộ độc thực phẩm là tình trạng thường gặp, đặc biệt vào những ngày nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C.
Mồ hôi tiết ra nhiều khiến da luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Những căn bệnh như rôm sảy, viêm nang lông, nấm da, hắc lào… thường xuất hiện nhiều ở trẻ em và người làm việc ngoài trời.

Bên cạnh đó, ánh nắng gay gắt còn làm tăng nguy cơ cháy nắng, sạm da, kích ứng da và đẩy nhanh quá trình lão hóa nếu không sử dụng các biện pháp bảo vệ như kem chống nắng, áo khoác, kính mát…
Nhiệt độ ngoài trời cao khiến nhiều người phụ thuộc vào điều hòa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhiệt độ đột ngột giữa môi trường lạnh và nóng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, gây ra các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản.
Đặc biệt, không khí khô trong phòng máy lạnh dễ làm khô niêm mạc hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công. Chuyên gia y tế khuyến cáo nên duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức từ 25–27°C và thường xuyên vệ sinh máy lạnh để hạn chế vi khuẩn tích tụ.
Nắng nóng là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của virus, đặc biệt là virus gây tay chân miệng và sốt xuất huyết. Cả hai căn bệnh này đều phổ biến ở trẻ em, với nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt.
Dự báo năm 2025, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tăng trở lại nếu người dân chủ quan. Để phòng bệnh, cần loại bỏ các ổ nước đọng – nơi muỗi vằn sinh sản, đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ, rửa tay thường xuyên.

Tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài mà không bổ sung nước và điện giải có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt – say nắng, đặc biệt ở người lao động ngoài trời. Dấu hiệu bao gồm: da đỏ bừng, mệt mỏi, chóng mặt, tim đập nhanh, thậm chí bất tỉnh.
Khi gặp người bị sốc nhiệt, cần nhanh chóng đưa vào chỗ mát, cởi bớt quần áo, lau người bằng khăn mát và đưa đi cấp cứu kịp thời.
Nắng hè gay gắt với tia cực tím (UV) cao còn là thủ phạm gây ra viêm kết mạc, đau mắt đỏ. Tia UV có thể làm tổn thương giác mạc nếu mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh mà không được bảo vệ.
Để phòng tránh, người dân nên đeo kính mát có khả năng chống tia UV khi ra ngoài, nhất là vào khung giờ từ 10h đến 16h – thời điểm nắng gay gắt nhất trong ngày.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng?
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày hè oi bức, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh phù hợp. Trước tiên, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước trong ngày, bổ sung thêm điện giải thông qua nước ép trái cây hoặc dung dịch oresol nếu phải hoạt động nhiều ngoài trời. Việc lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng – nên ưu tiên các món ăn tươi, nấu chín kỹ và được bảo.

Mùa hè không chỉ đơn thuần là những ngày nắng đẹp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Chủ động phòng tránh, chăm sóc bản thân đúng cách chính là chìa khóa để bạn và gia đình tận hưởng một mùa hè khỏe mạnh, an toàn.