WHO cảnh báo đại dịch mới có thể xảy ra 'ngay ngày mai': Thế giới cần sẵn sàng
Trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng địa chính trị ngày càng gia tăng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phát đi cảnh báo mạnh mẽ: một đại dịch chết người tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí là “ngay ngày mai”.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Một đại dịch tương tự COVID-19 hoặc thậm chí tồi tệ hơn, có thể xảy ra trong vòng 20 năm tới, hoặc cũng có thể là vào ngày mai. Đó là điều chắc chắn về mặt dịch tễ học, không chỉ là một rủi ro lý thuyết”.
Ông Tedros cho biết, đại dịch COVID-19 tuy giờ đây đã trở thành một ký ức xa dần, nhưng thế giới không được lơ là. “Đại dịch tiếp theo sẽ không chờ đợi đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Đó là lý do vì sao chúng ta phải hành động ngay bây giờ”, ông nói.

Theo Tổng Giám đốc WHO, các chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào an ninh y tế và khẩn trương hoàn tất “Thỏa thuận Đại dịch” – một hiệp ước quốc tế đang được đàm phán nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
“Chúng ta cần bảo vệ người dân không chỉ trước bom đạn mà cả trước virus”, ông Tedros nói và lưu ý rằng chi phí đầu tư cho y tế phòng ngừa thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại mà đại dịch gây ra.
WHO cho biết đại dịch COVID-19 đã chính thức cướp đi sinh mạng của 7 triệu người, nhưng con số tử vong thực tế được ước tính lên đến 20 triệu người. Thiệt hại về kinh tế cũng vượt quá 10.000 tỷ USD – một con số khổng lồ mà thế giới phải trả giá cho việc không chuẩn bị đủ sớm.
Thỏa thuận Đại dịch mà WHO đang thúc đẩy không quy định cụ thể mức tài trợ bắt buộc, nhưng nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, nguồn lực y tế, vaccine và năng lực phản ứng nhanh ở quy mô toàn cầu. Ông Tedros khẳng định thỏa thuận này “sẽ không xâm phạm chủ quyền quốc gia” mà ngược lại, sẽ giúp các nước tự chủ hơn khi đối mặt với mối đe dọa dịch bệnh.

Tuy vậy, nỗ lực này đang gặp nhiều trở ngại chính trị. Hồi đầu năm 2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh khởi động tiến trình rút khỏi WHO, đồng thời bổ nhiệm nhiều nhân vật có quan điểm hoài nghi vaccine và phản đối phong tỏa vào các vị trí y tế chủ chốt. Điều này dấy lên lo ngại rằng sự ủng hộ quốc tế đối với WHO và thỏa thuận toàn cầu mới có thể bị chia rẽ.
Giữa lúc Mỹ đề xuất chi kỷ lục 1.000 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và EU cũng lên kế hoạch huy động 800 tỷ euro để quân sự hóa, WHO nhấn mạnh: “Đầu tư vào y tế không phải là chi phí, mà là khoản bảo hiểm cho tương lai nhân loại”.
Các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Đại dịch dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới tại Geneva, Thụy Sĩ. Kết quả sẽ quyết định phần lớn cách thế giới ứng phó nếu – hoặc khi – một đại dịch mới thực sự ập đến.