Tại sao bà nội lì xì con ít hơn bà ngoại? - Bố mẹ thông minh trả lời thế này để không ai bối rối
Số tiền bà ngoại lì xì nhiều gấp 10 lần bà nội đã khiến bố mẹ cậu bé 7 tuổi bối rối.
Tiền lì xì là một phong tục gửi gắm lời chúc đẹp đẽ trong văn hóa nhiều nước châu Á vào dịp Tết âm lịch. Thế nhưng việc lì xì số tiền bao nhiêu giờ đây cũng trở thành vấn đề gây đau đầu. Với trẻ nhỏ, việc coi trọng số tiền mừng tuổi có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt trong tư tưởng, quan niệm của trẻ về tiền bạc. Vậy cha mẹ phải làm sao để con biết được giá trị thực sự đằng sau lì xì không nằm ở việc bao nhiêu tiền?
Anh Vương, một phụ huynh ở Trung Quốc đã có câu trả lời khiến nhiều người đồng tình và được lôi ra làm "văn mẫu sách giáo khoa" cho nhiều cha mẹ trẻ học hỏi theo. Được biết, vào ngày Tết, con trai 7 tuổi của anh đã hỏi bố: "Tại sao bà ngoại mừng tuổi con 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng) trong khi bà nội chỉ mừng 100 NDT (khoảng 350.000 đồng)?".
Với câu hỏi nhạy cảm này, rõ ràng cha mẹ nào cũng sẽ bối rối. Được biết, bà ngoại của cậu bé vốn không phải quá giàu có. Tuy nhiên, vì gia đình con gái lâu năm mới có thể về quê ngoại đón Tết nên bà đã chuẩn bị phong bao lì xì "hậu hĩnh" cho cháu ngoại.
Sau một hồi suy nghĩ, anh Vương nói với con trai: "Tại sao con lại quan tâm nhiều như vậy? Tiền Tết bà nội có cho con bao nhiêu thì đó cũng chính là tình yêu của bà dành cho con. Con phải biết ơn và đừng đo lường tình yêu của người lớn tuổi bằng số tiền”.
Thực tế, khi còn nhỏ, trẻ có thể hay so sánh bà nội với bà ngoại, hay nói rộng ra là gia đình bên nội và bên ngoại mà chưa có những nhận thức rõ ràng về hoàn cảnh gia đình thực tế. Nếu không có phương pháp giáo dục đúng đắn, trẻ có thể cho rằng ai cho nhiều tiền Tết hơn sẽ yêu thương mình hơn.
Cha mẹ cần có lời khuyên trực tiếp với trẻ rằng chúng ta không thể có được bức tranh đầy đủ về tình yêu thương của người già dành cho con cháu chỉ từ số tiền lì xì mà họ tặng. Quan niệm giá trị của trẻ về việc dùng số tiền để đánh giá xem người lớn nào có tình yêu thương lớn hơn cũng cần được cha mẹ kịp thời chấn chỉnh.
Trước hết, hãy dạy trẻ thói quen đừng trực tiếp mở phong bao ngay sau khi được nhận. Chiếc phong bao màu đỏ giống như một món quà, chúng ta phải đợi đến khi chuyến thăm kết thúc và về đến nhà mới có thể mở nó ra, không nên mở trước mặt người lớn đã lì xì.
Thứ hai, hãy dạy con đừng so sánh số tiền với nhau. Mọi sự so sánh đều vô nghĩa, dù trẻ nhận được bao nhiêu tiền Tết thì chúng ta cũng phải giáo dục con sự biết ơn. Người lớn cần nhấn mạnh rằng lì xì chỉ có nghĩa là lời chúc may mắn, hoàn toàn không phụ thuộc vào số tiền lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, chính người lớn cũng phải làm gương và không quá coi trọng số tiền này thì tục lì xì mới giữ được nguyên vẹn giá trị văn hóa lâu năm của nó.