Phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông - Xuân
Thời tiết thay đổi thất thường vào mùa Đông - Xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều bệnh như sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu, cúm...
Cuối mùa Đông, đầu mùa Xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguyên nhân là do nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm, ẩm nên tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh. Thời tiết thay đổi thất thường cũng giúp các loại bệnh này dễ dàng lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa, từ đó dễ bùng phát thành dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời gian diễn ra nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa tập trung đông người nên có nguy cơ cao bị truyền nhiễm các bệnh nguy hiểm và gây ra tình trạng bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy, người dân cần chủ động tăng cường phòng bệnh hiệu quả, nhất là đối với đối tượng trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền, sức đề kháng kém.
Một số loại dịch bệnh thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân ở Việt Nam là:
Sởi: bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus Polinosa morbillarum gây ra. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu xảy ra vào mùa Đông - Xuân.
Rubella: bệnh do virus rubella gây ra, thường phát triển mạnh vào cuối mùa Đông đầu mùa Xuân. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Giai đoạn dễ lây nhiễm bệnh rubella nhất là từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi phát ban đỏ.
Thủy đậu: theo thống kê, thủy đậu thường bùng phát vào mùa Đông - Xuân do khí nồm ẩm của mùa xuân, nhất là giai đoạn chuyển từ Đông sang Xuân khiến cho siêu vi có tên Varicella Zoster virus gây bệnh phát triển mạnh.
Cúm: khi chuyển giao mùa Đông - Xuân là lúc chúng ta cần phải phòng tránh bệnh cúm. Cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, có thể dẫn tới tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, cần chủ động thực hiện một số biện pháp để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh như:
Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
Nếu không cần thiết nên hạn chế tụ tập và đến các điểm đông người. Trường hợp phải đi đến nơi đông người, công cộng, cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có các triệu chứng về đường hô hấp như: khó thở, ho, hắt xì, sốt, chảy nước mũi...
Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển sang lạnh; mặc ấm cho trẻ em khi đi xe máy hay khi ra ngoài trời. Nếu phải làm việc ngoài trời hay ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm thì phải mặc đủ ấm, giữ ấm chân, tay, ngực, cổ và đầu.
Tránh tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…
Đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách ăn chín, uống sôi; ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức đề kháng, ăn cân đối giữa các nhóm dưỡng chất.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, không ẩm thấp.