Ngăn ngừa viêm xoang tái phát, trở nặng trong mùa mưa
Những ngày mưa, nhiệt độ xuống thấp, ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp. Nhiều bệnh lý tai mũi họng trở nên phổ biến hơn, trong đó có viêm xoang.
Mưa nhiều có thể ảnh hưởng đến các cơn đau, nhức ở xoang và làm cho các triệu chứng viêm xoang tồi tệ hơn bình thường. Mưa cũng có thể là nguyên nhân kích hoạt tình trạng viêm xoang do dị ứng hay làm cho tình trạng viêm xoang trở nặng hơn. Những thay đổi về áp suất không khí và phấn hoa sau mưa cũng có thể ảnh hưởng đến chứng đau do viêm xoang ở một số người.
Áp suất khí quyển trong không khí thay đổi thường xuyên và hầu hết mọi người đều không nhận ra. Tuy nhiên, những người thường xuyên bị đau đầu do viêm xoang và đau nửa đầu có thể cảm thấy sự thay đổi áp lực một cách rõ ràng. Điều này là do áp suất khí quyển đặt thêm áp lực lên cơ thể, áp lực này được cảm nhận rõ ở những cơ thể nhạy cảm. Đau đầu do khí áp có thể kéo dài vài giờ, thậm chí vài ngày. Do đó, những người bị viêm xoang thường có các triệu chứng tăng thêm và cảm thấy khó chịu vào mùa mưa.
Các triệu chứng viêm xoang
Viêm xoang có thể do virus, vi khuẩn hoặc nấm làm sưng và tắc các xoang. Một số nguyên nhân cụ thể bao gồm cảm cúm; sự phát triển của u bướu nhỏ trong mũi (polyp); vách ngăn mũi bị lệch gây ra tắc nghẽn; hệ thống miễn dịch yếu do bệnh tật hoặc thuốc men và do dị ứng mũi (bao gồm cả dị ứng với nấm mốc) và dị ứng theo mùa (đặc biệt là mùa mưa).

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh viêm xoang bao gồm: chảy dịch nhầy xuống cổ họng; chảy dịch mũi (nước mũi đặc sệt màu vàng hoặc xanh lá cây) hoặc nghẹt mũi; căng tức vùng mặt (đặc biệt là xung quanh mũi, mắt và trán), đau đầu và hoặc đau răng hoặc tai; chứng hôi miệng (hơi thở hôi); ho; mệt mỏi và sốt.
Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn: sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng cảm lạnh như chảy nước mũi, nghẹt mũi và đau mặt không biến mất sau 10 ngày hoặc các triệu chứng dường như cải thiện nhưng sau đó trở lại và nặng hơn so với các triệu chứng ban đầu. Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh và thuốc thông mũi.
Viêm xoang mạn tính: một tình trạng được xác định bởi nghẹt mũi, chảy dịch, đau tức ở mặt và giảm khứu giác trong ít nhất 12 tuần.
Viêm xoang bán cấp: khi các triệu chứng kéo dài từ 4 - 12 tuần.
Viêm xoang cấp tính tái phát: khi các triệu chứng tái phát 4 lần trở lên trong một năm và mỗi lần kéo dài dưới 2 tuần.
Phòng ngừa và điều trị viêm xoang
Mặc dù không thường xuyên xảy ra nhưng nhiễm trùng xoang không được điều trị có thể gây viêm màng não hoặc nhiễm trùng não, mắt hoặc xương gần đó. Do đó, khi bệnh nhân bị tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng hơn vào mùa mưa cần đến bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời. Viêm xoang được điều trị theo nhiều cách, mỗi cách tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh như dùng thuốc thông mũi, thuốc kháng sinh, thuốc xịt steroid theo toa...
Đặc biệt, hãy chủ động phòng tránh bệnh viêm xoang tái phát, trở nặng trong mùa mưa bằng các biện pháp như tránh bị dính nước mưa, cảm lạnh. Luôn mang theo ô, áo mưa vào mùa mưa. Vệ sinh mũi họng hàng ngày; rửa tay thường xuyên. Có chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất; rèn luyện thân thể thường xuyên. Hạn chế dùng các chất gây mùi trong nhà như nước giặt, xả mùi mạnh, nước xịt phòng… vì đó có thể là nguyên nhân kích thích đường thở, ảnh hưởng tới mũi, xoang…