Hận em trai chồng tôi đòi từ mặt, sau cuộc gọi với em dâu anh liền thay đổi thái độ
Có lẽ anh ấy hối hận vì những năm qua hờ hững với em trai, bây giờ tình anh em sắp phải xa nhau mãi mãi mới cảm nhận được mất mát.
Khi bố chồng còn sống ông đối xử không công bằng giữa các con. Trong 1 lần về nhà nội ăn Tết Nguyên Đán. Nhân dịp có đủ con cháu, ông nội nói chồng tôi đã ở rể và nhà cửa tươm tất ổn định, còn chú Tới (chú út) thì chưa có gì. Thế nên ông tuyên bố cho vợ chồng chú ngôi nhà và mảnh đất bên cạnh.
Chồng tôi không đồng ý, anh bảo bản thân đang ở nhờ nhà ngoại, chưa thể nói là ổn định được. Tương lai anh vẫn muốn về quê nội sống, vì vậy bố mẹ hãy để ngôi nhà là của chung, còn đất cho chú xây nhà.
Bỏ ngoài tai ý kiến của chồng tôi, bố chồng vẫn dứt khoát cho cả nhà và đất cho con út khiến chúng tôi rất bất bình. Dự định sẽ ăn 3 ngày Tết ở nhà nội nhưng giận bố mẹ, vừa ăn xong 30 Tết, chồng tôi đã kéo vợ con ra xe về nhà ngoại.
Từ sau lần chia đất đó, chồng rất ít khi về quê. Vì chuyện chia tài sản không công bằng giữa các con làm gia đình bất hòa khiến bố suy nghĩ rất nhiều rồi mắc bệnh và qua đời. Sau khi bố mẹ mất cả thì chồng tôi không về quê nội lần nào nữa.
Tháng trước, chồng tôi qua xin phép mẹ vợ, anh muốn lập bàn thờ của ông bà nội trên đất của nhà ngoại. Mẹ bảo nhà đã cho là thuộc quyền của chúng tôi, muốn làm gì thì làm, không có ý kiến.
Tôi không phản đối ý kiến chồng lập bàn thờ ông bà nội trên đất của nhà ngoại nhưng anh tính như thế là không có ý định về quê nội nữa sao. Chồng bảo từ ngày không được bố chia cho chút tài sản nào, anh rất hận và không muốn về quê nữa. Bây giờ ông bà mất hết, anh về đó làm gì.
Tôi khuyên, "một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ở quê vẫn còn có chú út, anh không thể vì chuyện quá khứ mà từ mặt em trai được. Chồng gắt lên nói:
“Tới có coi anh là ruột thịt đâu mà anh phải níu kéo. Nếu là người em tốt thì Tới đã ngăn cản việc làm bất công bằng của bố mẹ".
Tôi không muốn vì chuyện tài sản của bố mẹ để lại mà mất tình anh em. Sau đó tôi đã gọi điện cho Tới. 2 chị em nói chuyện 1 lúc thì nghe thấy giọng em ấy yếu lắm, tôi hỏi ra mới biết đang bị bệnh. Em ấy nói chỉ là bệnh thông thường chúng tôi không phải lo lắng.
Nhưng qua đầu dây bên kia, tôi lại nghe thấy tiếng em dâu nhắc chồng rằng nên nói thật bệnh tình cho anh chị biết. Có lẽ sợ tôi nghe thấy nên Tới vội nói có việc bận và tắt máy.
Lo cho tình hình sức khỏe của Tới, lúc sau tôi gọi điện cho em dâu để hỏi chuyện. Em ấy kể với giọng nghẹn ngào:
"Thấy anh ho nhiều quá, em khuyên nghỉ làm đi bệnh viện khám nhưng anh không chịu. Đến lúc anh ho ra máu, em khóc lóc cầu xin anh đi khám để biết bệnh gì mà chữa trị cho sớm thì anh mới chịu nói thật. Anh nói mấy tháng trước đã thấy ù tai, tê mặt, nhìn mờ và có hạch ở cổ nên đi khám. Kết quả trả về báo anh bị ung thư giai đoạn 3 chị ạ.
Về nhà, anh không nói bệnh tình cho vợ biết mà âm thầm chịu đau đớn 1 mình. Bởi anh biết bệnh tình chuyển nặng, có chữa cũng chẳng khỏi và tốn tiền của gia đình. Anh muốn giữ số tiền tiết kiệm lo cho các con ăn học".
Nghe em dâu kể mà tôi choáng váng. Ngay tối hôm đó, tôi nói bệnh tình của em trai cho chồng biết. Đến lúc này chồng không còn giận hờn em nữa mà gọi điện hỏi thăm em ấy luôn.
Tuần trước, vợ chồng tôi cùng về quê thăm Tới. Nhìn chồng ôm em mà khóc làm tôi không cầm được nước mắt. Có lẽ anh ấy hối hận vì những năm qua hờ hững với em trai, bây giờ tình anh em sắp phải xa nhau mãi mãi mới cảm nhận được mất mát.
Vợ chồng tôi ở lại chơi vài ngày thì quay về và hứa Tết Nguyên Đán này sẽ đưa các cháu về chơi. Tới rớt nước mắt nói là không biết có trụ nổi đến Tết nữa không. Em ấy nói vợ còn trẻ, sau khi chồng mất sợ sẽ đi lấy chồng mới. Tới sợ đất đai của tổ tiên sẽ lọt vào tay người ngoài nên muốn cắt cho chồng tôi 1 suất đất.
Lúc trước chồng tôi hận bố mẹ vì không cắt đất cho, vậy mà lúc Tới cho 1 suất đất thì anh ấy lại từ chối và nói nếu sợ mất đất thì sang hết tên cho con. Bây giờ chồng tôi mới cảm nhận giá trị tình thân còn quan trọng hơn đất đai.