Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 23/05/2025 05:36 (GMT+7)

Làm rõ khái niệm "nhóm dễ tổn thương" khi Viện Kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự

Theo dõi GĐ&PL trên

Đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ hơn về những trường hợp pháp luật đã có quyền, trách nhiệm khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

tm-img-alt
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Các đại biểu cho rằng việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

Các đại biểu cũng tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhất trí thời điểm dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp.

Khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết đề cập đến khái niệm về “nhóm dễ bị tổn thương.”

Cơ bản đồng tình với quy định này nhưng đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) nhận thấy một số văn bản pháp luật như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Trợ giúp pháp lý… đều đề cập đến nhóm người được trợ giúp pháp lý.

“Vậy nhóm người dễ bị tổn thương với nhóm người được trợ giúp pháp lý có giống nhau hay không,” đại biểu băn khoăn và đề nghị ban soạn thảo rà soát, cân nhắc, bổ sung quy định cho phù hợp, chặt chẽ hơn.

Về những trường hợp không có người khởi kiện quy định tại Khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ hơn về những trường hợp pháp luật đã có quyền, trách nhiệm khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương, hoặc bảo vệ lợi ích công nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không khởi kiện.

Về các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ được quy định tại Điều 8 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị quy định theo hướng dẫn chiếu về quy định tại khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình thực thi pháp luật, bảo đảm về các biện pháp xác minh về thu thập chứng cứ.

Liên quan đến thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích, dự thảo Nghị quyết quy định: Viện Kiểm sát khu vực tương ứng với Toà án khu vực có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự công ích có quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc vụ án phức tạp, quy mô, giá trị thiệt hại lớn hoặc xảy ra trên địa bàn nhiều khu vực, nhiều tỉnh hoặc có yếu tố nước ngoài thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát cấp tỉnh khởi kiện hoặc phân công cho Viện Kiểm sát cấp dưới khu vực khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị ban soạn thảo xem xét, rà soát nội dung này vì theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp gồm: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh và Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực. Do đó, đại biểu cho rằng cần làm rõ "Viện Kiểm sát cấp dưới khu vực" là gì.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại biểu nhất trí với quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát....”

Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe, thực thi hiệu quả pháp luật, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị xem xét bổ sung quy định chế tài xử lý các hành vi chậm trễ hoặc cung cấp thông tin sai lệch, không trung thực, gây khó khăn trong quá trình thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin của Viện Kiểm sát.

Cùng chuyên mục

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần
Đồng chí Trần Đức Lương, sinh ngày 5/5/1937, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút ngày 20/5/2025, tại Nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống suy thoái đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng ta. Trong đó, tư tưởng về đạo đức cách mạng và phòng chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Bài viết làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; từ đó đề xuất một số giải pháp vận dụng có hiệu quả trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay.

Tin mới

Show diễn jetski bắn pháo hoa tại Cát Bà vượt qua vòng thẩm định Guinness, xác lập hai kỷ lục thế giới trên biển
Ngày 21/5/2025, tại Vịnh trung tâm Cát Bà (Hải Phòng), các hạng mục trình diễn thuộc show Symphony of the Green Island đã vượt qua vòng thẩm định kỷ lục khắt khe của Tổ chức Guinness World Records (GWR) và được công bố chính thức trên website của Tổ chức vào ngày 23/5.