Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 06/01/2022 10:20 (GMT+7)

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói về những vụ sai phạm trong ngành y tế

Theo dõi GĐ&PL trên

Chiều ngày 05/01, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trục lợi xảy ra trong ngành y tế vừa qua rất nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm minh.

Những vi phạm, sai sót xảy ra rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch lần thứ 4, ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay, trên 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, bác sỹ, sinh viên các trường y tham gia.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Hiện nay, có hàng ngàn cán bộ của các bệnh viện thuộc Bộ vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các tỉnh khu vực phía Nam. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, ngành y tế cơ bản đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở đang từng bước củng cố, phát triển; tiếp tục mở rộng khám bệnh, chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; từng bước đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn nhiều điểm hạn chế. Các chế độ, chính sách chưa phù hợp. Đời sống cán bộ của y tế có nhiều khó khăn. Chưa kịp thời và chưa đủ thời gian để điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh.

"Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành. Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, y bác sỹ, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến đối với dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian tới đây", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tốc độ và tỉ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam về đích sớm

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam đã nằm trong những nước hàng đầu trên thế giới và về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Vaccine tạo điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết của Chính phủ và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian tới, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine.

Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn cho công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng khác đã và đang rất quyết tâm trong cuộc chiến đối với dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

"Cuộc chiến Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh. Nếu để Omicron lan tràn, sẽ gây nên tình trạng quá tải của hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, có những nghiên cứu thời gian gần đây cho rằng mức độ tăng nặng của biến thể Omicron có thể nhẹ hơn đối với Delta nhưng tốc độ lây lan rất nhanh, tăng gấp 7 lần so với biến thể Delta đối với những người chưa tiêm đủ vaccine, gấp 3 lần so với những người đã tiêm đủ.

Nhiệm vụ, phương hướng tiếp theo là tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án: Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; Luật Dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý; chỉ đạo triển khai hoạt động đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế các tuyến, từng bước đảm bảo đủ nhân lực và có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tăng phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở.

"Đây là một trong những chính sách chúng tôi cho rằng sẽ tác động lớn đến sự phát triển hệ thống y tế", Người đứng đầu ngành y tế đánh giá.

Đồng thời, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn, đổi mới phương thức quản lý, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị, công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cũng như tăng cường kỷ cương, kỷ luật về quản lý nhà nước trong hoạt động của ngành.

Năm 2021, bên cạnh những đóng góp vô cùng to lớn trong công cuộc chống dịch Covid-19, năm này cũng là một năm có nhiều vụ án, hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế bị khởi tố như vụ án "thổi giá" bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Việt Á liên quan trách nhiệm hàng loạt bộ, ngành và CDC các địa phương; nguyên Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị khởi tố trong vụ án thuốc chữa bệnh ung thư giả mang nhãn mác Health 2000 Canada; khởi tố, tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn; khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh; bắt giam Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân; vụ khởi tố nhiều cán bộ y tế liên quan đến vụ án thổi giá trang thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai...

Cùng chuyên mục

Nhiều bệnh nhân lao phát hiện muộn
Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng, chống lao.
Hà Nam: Chủ động phòng, chống bệnh Sởi/Rubella
Tại tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 07 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella, trong đó qua xét nghiệm xác định 01 trường hợp dương tính với bệnh Sởi và 01 trường hợp dương tính với bệnh Rubella.
Sửa bình nóng lạnh, suýt mất ngón tay do bị điện giật
Bỏng điện là một loại bỏng nặng, nếu như bỏng lửa và bỏng nước sôi gây ra các tổn thương trên da từ ngoài vào trong thì bỏng điện lại gây ra vết bỏng sâu từ trong ra ngoài. Bỏng do dòng điện có thể gây ra các tổn thương bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ như ngừng hô hấp, ngừng tim, hoặc tàn phế.

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.