4 câu nói của mẹ nhẹ nhàng nhưng có sức mạnh lớn, con ở tuổi nào cũng ngoan nghe lời
Các chuyên gia khuyên rằng, việc bố mẹ dạy con với giọng điều nhẹ nhàng sẽ tác động đến trẻ tốt hơn so với la mắng.
Các nhà tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh cho rằng giáo dục bằng giọng nói là một loại trí tuệ, phương pháp này trái ngược với giáo dục la mắng và có hiệu quả hơn.
Cụ thể, những lời nói nói tích cực của bố mẹ sẽ tác động đến sự cảm nhận của trẻ, từ đó thay đổi rõ rệt trong thái độ và hành vi của trẻ. Dưới đây là 4 câu nói nhẹ nhàng cha mẹ nên sử dụng khi trò chuyện với con, trẻ ngoan nghư lời hơn.
“Kể cho mẹ nghe, con vừa làm gì?”
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, thích tìm tòi, khám phá và mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Trước những sai lầm của con bố mẹ cần phải bình tĩnh để giải quyết.
Thay vì nói "Sao con lại làm vậy?" mẹ hãy hỏi “Kể cho mẹ nghe xem, con vừa làm gì nào?” điều này cho phép trẻ được giải thích vì sao con lại có hành động như vậy.
Việc cho phép con giải thích sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm, tin tưởng của bố mẹ đồng thời giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm, sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ.
Nếu bố mẹ chịu khó nghe con nói, hiểu tâm tư của con, cho phép con có thể mắc sai lầm, động viên con khắc phục sai lầm đó thì khi nảy sinh ra tình huống có vấn đề trong cuộc sống trẻ sẽ chia sẻ cùng bố mẹ.
Bố mẹ hãy hạn mắng mỏ, đánh đập con cái khi trẻ mắc sai lầm. Điều quan trọng cần làm là chỉ ra điều chưa tốt của trẻ và giúp con sửa sai.
"Con làm xong bài tập, chúng ta sẽ chơi cùng nhau nhé!"
Nếu bố mẹ nói “Con không được đi chơi” sẽ làm giảm đi niềm vui và vô tình tạo áp lực lên trẻ. Thay vào đó bố mẹ có thể nói: "Con làm xong bài tập, chúng ta sẽ chơi cùng nhau nhé!"
Điều này không những giúp trẻ nhận ra được tầm quan trọng của học tập mà còn tạo được thói quen làm việc theo trình tự.
Bố mẹ cũng nên cố gắng giải quyết vấn đề ngay lúc đó và đưa ra lý do để giải thích cho con hiểu tại sao hành động đó là không nên làm.
"Mẹ nhớ lần trước con rửa bát rất sạch, con đã giúp mẹ rất nhiều"
Đứa trẻ nào cũng vui sướng khi được khen tặng, khích lệ. Lời khen đem lại cảm giác hạnh phúc, trẻ cảm thấy bản thân có giá trị, được tôn trọng và yêu thương.
Quan trọng hơn, việc khen con khi con làm việc tốt sẽ giúp củng cố những hành vi đó, tạo thành thói quen tốt cho con. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách khen con và khen trong trường hợp nào là hợp lý.
Bố mẹ nên tìm ra được các hành vi đúng đắn, tích cực của trẻ để củng cố. Ví dụ, nếu trẻ biết phụ giúp việc nhà, mẹ có thể khen ngợi con bằng câu nói "Mẹ nhớ lần trước con rửa bát rất sạch, con đã giúp mẹ rất nhiều".
Việc khen ngợi, khích lệ phải nhằm vào một việc cụ thể, từ đó thể hiện một phẩm chất tốt cụ thể của trẻ. Trẻ sẽ nhớ những phẩm chất mà bố mẹ nói. Điều này rất quan trọng vì nó có thể giúp trẻ thay đổi suy nghĩ, quan điểm tích cực hơn.
Trong khen ngợi và khích lệ, chính tình cảm và sự yêu thương, chân thành của bạn mới là quan trọng nhất. Điều này làm trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, công việc và những cố gắng, nỗ lực của chính trẻ được đánh giá đúng mực.
"Con chơi với bạn rất vui, nhưng hãy cố gắng về nhà đúng giờ nhé!
Các quy tắc, thói quen tốt cho trẻ nên được rèn từ những năm tháng ấu thơ, có như vậy khi lớn lên trẻ mới có trách nhiệm với hành động của mình và biết cách đối xử tốt với các mối quan hệ xung quanh.
Bố mẹ hãy dạy trẻ các quy tắc sống trong gia đình, đặc biệt khái niệm thời gian. Ví dụ, khi trẻ được ra ngoài vui chơi với bạn, con nên biết khi nào sẽ trở về nhà, thời gian nào bắt đầu và kết thúc các cuộc vui chơi, điều này sẽ tạo ra nếp sống lành mạnh, ý thức và tôn trọng người khác.
Trẻ em vốn có một thế giới riêng trong suy nghĩ của mình và những tác động tâm lý theo độ tuổi có thể khiến trẻ bướng bỉnh hơn. Vì vậy, sẽ rất khó để con hình thành nhân cách tốt nếu không không được dạy các quy tắc ngay từ khi còn nhỏ.