Xung quanh vụ shop quần áo tại Thanh Hóa: Cần vỗ về những thương tổn
Theo góc nhìn của Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), hành động của chủ shop quần áo tại Thanh Hóa không chỉ vi phạm pháp luật mà còn 'lệch chuẩn' về đạo đức, gây thương tổn trong tâm lý trẻ vị thành niên.
Nhiều ngày qua, ai trong chúng ta cũng không khỏi xót xa trước hình ảnh của một cô bé 16 tuổi, ngồi thụp xuống van xin chủ shop ngừng bạo hành. Đúng - sai, xấu - tốt, được - mất... vốn là câu chuyện đã rõ ràng. Tuy nhiên, nếu soi chiếu dưới góc độ pháp luật lẫn tình thương, câu chuyện ở shop thời trang Mai Hường sẽ để lại bao điều đáng suy ngẫm.
Khi người lớn thiếu rộng lượng
Vào khuya ngày 03/12/2021, MXH lan truyền một số đoạn clip được cho là của một chủ tiệm thời trang dùng kéo cắt áo ngực, cắt tóc và chửi mắng một bé gái từ 15 – 16 tuổi ở Thanh Hoá vì thiếu nữ này đã bị bắt quả tang ăn trộm chiếc váy có giá trị 160.000 VND tại shop. M.H (chủ shop thời trang) còn yêu cầu nạn nhân bồi thường 15 triệu – 30 triệu cho hành vi ăn trộm chiếc váy.
Mặc dù bé gái đã khóc lóc, quỳ gối dưới sàn nhà xin những người lớn bỏ qua, nhưng người phụ nữ mặc đồ đen đã giữ chặt, dùng kéo làm rời quai mũ, ‘xin’ tóc, làm rời dây áo trong, bắt bé gái ngẩng mặt lên để quay video. Hành vi trên còn có sự tiếp tay của một vài người trong shop.
Ngay sau khi đoạn video phát tán trên mạng xã hội, rạng sáng 4/12, công an TP. Thanh Hoá đã huy động lực lượng tới shop quần áo để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của những người trong shop, thu hút đông người dân địa phương theo dõi.
Sau khi xác minh, làm rõ vụ việc, cùng ngày công an TP. Thanh Hoá đã ra quyết định khởi tố bị can M.H. về tội làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản, khởi tố bị can với T.Đ.A., chồng của M.H. về tội cưỡng đoạt tài sản.
Hành vi nói trên của chủ shop quần áo và những người liên quan khiến cả dư luận vô cùng phẫn nộ, bức xúc. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn lệch chuẩn so với quy tắc đạo đức, ứng xử giữa người với người; có biểu hiện của sự ngông nghênh, ra oai, khinh người nghèo hèn, thể hiện cách ứng xử chợ búa, ích kỷ.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên có thể trong phút chốc, cô bé nữ sinh đã lỡ tay hành động một cách dại dột. Tuổi trẻ cũng có những lúc bồng bột, nhưng quan trọng là em đã nhận ra lỗi lầm, chủ động liên hệ ngay cho chủ shop để xin lỗi về hành động của mình.
Tuy rằng cô bé đã sai, nhưng cách ứng xử thiếu rộng lượng của chủ shop, thậm chí sát phạt dã man cùng sự tham lam khi đòi bồi thường đến 10 triệu đồng cho một chiếc váy trị giá 160.000 đồng là không thể chấp nhận được. Nếu như chủ shop quần áo có cách giải quyết, ứng xử phù hợp hơn thì câu chuyện đã không đi quá xa như vậy. Không thể lấy cái sai này để sửa chữa, khắc phục cho một cái sai khác, đó chỉ là cái cớ để nguỵ biện cho hành vi dã man của họ mà thôi.
Từ một cái sai rất nhỏ...
Từ một cái sai rất nhỏ của một cô nữ sinh, đến câu chuyện ứng xử thiếu văn hoá, mang tính chất du côn, bạo lực và tung lên mạng… Có lẽ chủ shop quần áo còn chưa hết hả hê vì đã tìm ra và trừng trị thích đáng được người đã lấy trộm chiếc váy trị giá 160.000 đồng thì hậu quả nặng nề đã bất ngờ ập đến, không kịp trở tay.
Cũng từ vụ việc trên mà lực lượng công an cũng phát hiện ra được có nhiều mặt hàng tại shop quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ chứng minh và sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để làm rõ vấn đề này. Câu nói gậy ông đập lưng ông có lẽ đã được thể hiện rõ nhất qua diễn biến vụ việc này. Cái giá phải trả cho hành vi nói trên không chỉ dừng lại ở sự trừng phạt của pháp luật mà còn là sự chỉ trích nặng nề từ dư luận xã hội, mọi danh dự, uy tín của bản thân gây dựng đều sụp đổ chỉ trong phút chốc.
Trong xã hội, văn hoá vừa là giá trị, vừa là tiêu chí xác định chuẩn mực trong hành vi của con người. Vì vậy, mọi hành vi vượt quá giới hạn đều là hành vi phản văn hoá, trái với thuần phong mĩ tục của cộng đồng, phải đối mặt với sự lên án của dư luận xã hội và bị xử lý theo pháp luật.
Sự tham lam, coi thường pháp luật, coi thường dân nghèo, vượt quá giới hạn ứng xử đã làm cho chủ shop quần áo M.H. tự đánh mất bản thân trong giây lát, sự thua lỗ trong kinh doanh giờ đây không còn đơn thuần là sự mất mát về tài sản, vật chất, mà đau đớn hơn là mọi thanh danh, uy tín, sự nghiệp cũng đều tiêu tan mà có lẽ cả đời này cô chủ shop quần áo sẽ không bao giờ có thể lấy lại được. M.H. đã phải trả học phí quá đắt để nhận lại bài học về cách ứng xử trong kinh doanh: Đừng quá ưu tư về lợi ích, tiền bạc, quyền uy, hay danh tiếng, chỉ cần nỗ lực kinh doanh chân chính, đem lại giá trị cho cuộc sống, biết khoan dung, vị tha thì ắt hẳn mỗi vị doanh nhân sẽ đạt được tới cái “tầm” mà mình mong muốn!
Luật sư Trần Xuân Tiền