Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam: Các ngành hàng nào chịu tác động trực tiếp?
Với mức thuế đối ứng 46%, những ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế. Nhà Trắng liệt kê mức thuế các nước "đang áp cho Mỹ" nhưng không đưa ra giải thích cách tính toán các con số đó. Ví dụ, theo họ, Việt Nam, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang áp Mỹ mức thuế lần lượt 90%, 67%, 39%.

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc giá bị áp mức thuế cao nhất
Theo kế hoạch được công bố, Trung Quốc sẽ bị áp thuế quan đối ứng 34% ngoài thuế quan bổ sung 20% mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống này của ông. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không tránh được thuế đối ứng, như Liên minh châu Âu (EU) bị áp mức thuế 20%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%... Việt Nam bị áp mức thuế 46%.
Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo mức đã công bố như trên.
Với mức thuế 46%, các sản phẩm Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cạnh tranh trên thị trường Mỹ bởi giá sản phẩm trở nên đắt hơn và khó thu hút khách hàng tại Mỹ. Đặc biệt là các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của nước ta.

Các ngành hàng nào chịu ảnh hưởng lớn nhất?
Mỹ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Việt Nam có 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), gồm Điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); Dệt may, da giầy (chiếm 21,9%); Gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 7,6%); Nông - thủy - hải sản (chiếm 3,5%); Thép và nhôm (chiếm 2,7%) sẽ bị tác động mạnh nhất trong đợt áp thuế này.
Nếu Việt Nam bị tăng thuế, những ngành công nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Ví dụ như Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh cho biết đang cùng các thành viên hiệp hội và doanh nghiệp thảo luận về các phương án ứng phó.
Ông Hồng bày tỏ sự quan ngại: “Nếu áp mức thuế này sẽ gây khó khăn cho dệt may Việt Nam vì thuế nhập vào Mỹ của Việt Nam cao nhất, chỉ sau Campuchia và Lào. Vì vậy doanh nghiệp lo lắng và tiếp tục theo dõi tình hình.”
Hiện tại mức thuế này vẫn còn có thể đàm phán cho đến ngày 9/4. Song song với đó, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đã tổ chức họp khẩn nhằm tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại.