Trẻ có 3 hành vi này chứng tỏ đang thiếu vắng tình yêu thương, bố mẹ đừng vội bỏ qua
Đứa trẻ nào cũng đều mong muốn có được tình yêu thương đầy đủ từ bố mẹ.
Nhà tâm lý học Adler có một câu nói rất nổi tiếng: “Người may mắn dành tuổi thơ để chữa lành hiện tại, kẻ bất hạnh dành cuộc đời để hàn gắn tuổi thơ". Câu nói này minh chứng rằng, tuổi thơ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tương lai của một đứa trẻ.
Nếu tuổi thơ trẻ nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc đủ đầy từ bố mẹ, trẻ sẽ có nền tảng tốt để phát triển toàn diện, cả về thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ. Thế nhưng nếu lúc nhỏ trẻ không nhận được trọn vẹn sự quan tâm, yêu thương từ gia đình, đặc biệt là bố và mẹ của mình, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ sau khi lớn.
Là bố mẹ, dĩ nhiên sẽ không ai mong muốn điều này xảy ra với con của mình. Vậy nên trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con, nếu quan sát thấy con có 3 biểu hiện này, nghĩa là trẻ đang thiếu cảm giác an toàn và tình yêu thương, bố mẹ không can thiệp con sẽ khổ cả đời.
Trẻ rất ngoan và không bao giờ dám làm trái ý bố mẹ
Nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn là mục tiêu, cũng là mong muốn của hầu hết bố mẹ. Thấy con mình ngoan ngoãn, nghe lời, bố mẹ nào cũng sẽ rất vui và hạnh phúc.
Tuy nhiên có một điều bố mẹ cần lưu ý, đứa trẻ ngoan ngoãn không đồng nghĩa với việc con luôn thuận theo ý bố mẹ, không bao giờ dám làm trái ý bố mẹ, dù trong lòng có chút không cam lòng, nhưng cuối cùng vẫn tuân theo những yêu cầu mà bố mẹ đặt ra một cách vô điều kiện.
Những đứa trẻ có biểu hiện như thế thực chất là do con đang thiếu cảm giác an toàn, lo lắng hoặc sợ bố mẹ sẽ không thương mình. Vì thế cho nên trẻ mới làm mọi thứ để bố mẹ hài lòng, vui vẻ. Lúc này có thể trong suy nghĩ của mình, trẻ cho rằng chỉ cần không khiến bố mẹ tức giận, thất vọng hay ghét mình thì mình vẫn sẽ được yêu thương.
Nếu bố mẹ quan sát thấy con có biểu hiện này thì cần can thiệp ngay, bởi nó hoàn toàn không tốt đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ. Không chỉ khiến trẻ sống trong lo lắng, sợ hãi mà còn khiến con dần đánh mất chính mình, giảm đi năng lực đưa ra ý kiến, suy nghĩ của bản thân.
Luôn quan tâm đến sắc mặt, cảm xúc của người khác
Trong giao tiếp, việc trẻ quan tâm đến sắc mặt, cảm xúc của người khác sẽ rất tốt để con biết cách điều chỉnh lời ăn tiếng nói phù hợp. Thế nhưng đối với trường hợp trẻ tập trung quan sát sắc mặt, cảm xúc của mọi người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ để quyết định cho hành vi của mình thì không nên.
Bởi điều này chứng tỏ trẻ đang cố gắng tìm mọi cách để làm hài lòng người khác, chấp nhận đặt nhu cầu, sở thích của mình sang một bên. Những đứa trẻ như vậy là đang hy sinh để tìm kiếm tình yêu thương, sự quan tâm của người khác dành cho mình.
Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần nhận ra sớm hành vi này của con, để từ đó tìm cách đáp ứng đúng mức nhu cầu về cảm giác an toàn và tình yêu thương của trẻ. Đừng chỉ quan tâm đến mong muốn của người lớn, mà còn cần xem xét và tôn trọng nhu cầu cá nhân của trẻ.
Việc khuyến khích trẻ tự tin thể hiện ý kiến riêng, cùng với việc tạo ra một môi trường an toàn và yêu thương, sẽ giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh, biết quan tâm đến bản thân và tôn trọng giá trị của mình, thay vì chỉ dựa vào sự chấp nhận từ người khác.
Không bao giờ bày tỏ, đưa ra mong muốn hay yêu cầu của mình
Những đứa trẻ hiểu chuyện thường luôn nhận được sự yêu mến từ nhiều người, nhưng nếu quá hiểu chuyện đến mức chịu thiệt thòi về mình thì chắc chắn trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, thiếu cảm giác an toàn và đang mong cầu tình yêu thương.
Đó là lý do khiến cho một số đứa trẻ chưa bao giờ dám bày tỏ hay đưa ra mong muốn, yêu cầu của bản thân đối với người khác, thậm chí là ngay với chính những người thân trong gia đình. Những đứa trẻ này thường mang một nỗi sợ, đó là sợ làm người khác buồn và ghét mình, thế nên trẻ mới đè nén sự tự tin của bản thân, chấp nhận an phận.
Rõ ràng trẻ có hành vi, biểu hiện này không hề giống như những đứa trẻ bình thường khác. Vì đa số trẻ em sẽ có thói quen đòi bố mẹ mua cái này, mong bố mẹ cho thứ kia, chỉ cần là thứ trẻ thích thì trẻ sẽ ngay lập tức nói ra để bố mẹ biết và đáp ứng nhu cầu của mình.
Tuy nhiên đứa trẻ có tính cách này lại khác, thậm chí dù ngay cả khi rơi vào tình huống bị ức hiếp, bản thân đang chịu thiệt thòi hay bất an thì trẻ cũng chọn cách im lặng, một mình chịu đựng, tự tìm cách vượt qua nó thay vì mạnh dạn nói ra và nhờ sự giúp đỡ từ người khác.
Nếu bố mẹ để trí tuệ cảm xúc của trẻ phát triển theo hướng này mà không có sự hướng dẫn kịp thời thì sẽ rất bất lợi cho con. Vì thế cho nên, cách tốt nhất là bố mẹ hãy tạo cho con một môi trường gia đình tích cực - nơi con luôn cảm nhận được sự quan tâm, an toàn và tình yêu thương trọn vẹn từ bố mẹ.