Trẻ bộc lộ 3 đặc điểm tính cách này, cho thấy bố mẹ đang yêu thương con sai cách
Việc bố mẹ nuôi dạy trẻ theo cách chiều chuộng và kiểm soát quá mức sẽ khiến con dần trở nên vô kỷ luật, khả năng tự lập kém.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều đứa trẻ còn nhỏ được bố mẹ chiều chuộng, kiểm soát trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, quá trình này cần được cân nhắc một cách cẩn thận để tránh tạo ra một môi trường quá bảo vệ cho trẻ.
Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tự lập, nhân cách sau này. Những đặc điểm tính cách này xuất hiện ở trẻ chứng tỏ bố mẹ đang quá quan tâm đến con quá mức.
Hoàn toàn vô kỷ luật
Nếu bố mẹ kiểm soát quá nhiều, biểu hiện rõ ràng nhất của trẻ là thiếu tính tự giác. Ví dụ, khi trẻ phải hoàn thành bài tập về nhà, nhưng chỉ cần mẹ không thúc ép, trẻ sẽ trì hoãn.
Khi bố mẹ kiểm soát quá mức mọi thứ về con cái, từ học tập, cuộc sống, hoạt động xã hội, trẻ sẽ dần mất đi khả năng tự giác.
Vì không có cơ hội đối mặt với trách nhiệm và quyết định của chính mình, nên trẻ sẽ thiếu tính tự chủ và khả năng suy nghĩ độc lập. Dần dần trẻ sẽ trở nên phụ thuộc quá mức vào sự giám sát và hướng dẫn của người khác.
Trẻ đã quen với việc người khác chỉ bảo phải làm gì và làm như thế nào, một khi không có ai hướng dẫn sẽ cảm thấy bối rối và bất lực. Lâu dần sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến việc học tập cũng như cuộc sống.
Vì vậy, bố mẹ nên nhận thức được tác động tiêu cực của việc kiểm soát quá mức và trao cho con quyền tự chủ cũng như trách nhiệm phù hợp.
Phát triển tính kỷ luật tự giác của trẻ là chìa khóa để giúp trẻ trưởng thành và phát triển. Tạo cơ hội cho trẻ tự giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và gánh chịu hậu quả.
Bằng cách này, trẻ có thể dần dần xây dựng được sự tự tin, tự chủ và không còn phải dựa vào sự giám sát của người khác.
Khả năng thực hành kém
Bố mẹ lo toan mọi việc cho con, chẳng hạn trẻ 7-8 tuổi vẫn cho con ăn, 10 tuổi vẫn đợi bố mẹ tắm cho, về lâu dài trẻ dần kém khả năng thực hành và tự chăm sóc bản thân.
Thực tế nhiều bậc phụ huynh có sự hiểu lầm này, cho rằng trẻ vẫn còn nhỏ, nên bố mẹ cần hỗ trợ con mà quên rằng khả năng sống cần được rèn luyện.
Trong cuốn sách “Làm thế nào để biến trẻ em thành người lớn” viết rằng việc trau dồi khả năng có thể được chia thành bốn bước:
Bước đầu tiên là "Bố mẹ làm điều này cho con"
Khi trẻ lần đầu tiên bắt đầu học một kỹ năng, nhiệm vụ nào đó, bố mẹ có thể chủ động làm điều này cho trẻ.
Ví dụ, trước khi trẻ học cách tự đóng gói cặp sách, bố mẹ có thể giúp sắp xếp và đảm bảo mọi thứ đều đúng chỗ. Cách tiếp cận này được thiết kế để mang lại cho trẻ sự tự tin và an toàn.
Bước thứ hai là "Bố mẹ làm điều đó với con"
Khi trẻ đã hiểu biết cơ bản và tự tin vào một nhiệm vụ nào đó, bố mẹ có thể cùng tham gia. Ví dụ, khi trẻ học cách giặt quần áo một cách độc lập, bố mẹ có thể cùng dạy trẻ quy trình giặt đúng cách. Cách tiếp cận này không chỉ mang đến cho trẻ sự hỗ trợ và hướng dẫn mà còn cho trẻ cơ hội tham gia làm việc nhà.
Bước thứ ba là "Bố mẹ xem con làm điều đó"
Khi trẻ đã nắm vững các kỹ năng và kiến thức cơ bản, bố mẹ có thể để trẻ hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập đồng thời quan sát. Chẳng hạn, sau khi trẻ đã học cách tự đóng cặp sách, bố mẹ có thể ngồi quan sát để đảm bảo trẻ thực hiện đúng các bước. Cách tiếp cận này khuyến khích trẻ suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách độc lập, đồng thời cho con mức độ tự chủ nhất định.
Bước cuối cùng là "Con hãy tự làm"
Khi trẻ đủ khả năng và sự tự tin để hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập, bố mẹ nên cho phép trẻ làm một cách độc lập. Ví dụ, sau khi trẻ đã thành thạo kỹ năng giặt giũ, bố mẹ không nên can thiệp nữa và để trẻ tự giặt quần áo. Cách tiếp cận này cho phép trẻ cảm nhận được thành tích và trách nhiệm, đồng thời phát triển mức độ độc lập cao hơn.
Thông qua phương pháp rèn luyện 4 bước này, bố mẹ có thể từng bước hướng dẫn con phát triển năng lực sống. Quá trình tiến bộ này cho phép trẻ học tập, cố gắng và trưởng thành trong một môi trường an toàn, dần dần có được sự độc lập và tự tin. Điều quan trọng là bố mẹ phải hỗ trợ và khuyến khích.
Tâm lý mong manh và dễ nổi loạn
Những đứa trẻ được bố mẹ quan tâm quá mức không chỉ thiếu tính kỷ luật tự giác, khả năng thực hành kém mà còn đặc biệt dễ bị tổn thương về mặt tâm lý.
Thông thường, trẻ không biết cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh với người khác, vì chưa trải qua những tương tác bình đẳng trong gia đình. Trẻ cũng không biết cách tự mình đối mặt với một số thất bại, vì chưa bao giờ có cơ hội như vậy.
Trẻ em được bố mẹ chiều chuộng hoặc kiểm soát quá mức ít nhiều có tâm lý không lành mạnh, dễ bộc lộ tính nổi loạn.
Sự “kiểm soát” quá mức của bố mẹ dễ khiến trẻ nổi loạn. Tính cách nổi loạn thường thể hiện ở dạng trì hoãn, thiếu kiên nhẫn, cãi lại, khóc lóc, ném đồ đạc và thậm chí có những hành vi bạo lực như bỏ nhà đi.
Khi một đứa trẻ tập trung toàn bộ sức lực vào việc đối đầu và nổi loạn, kết quả học tập sẽ ngày càng kém đi, cho đến khi nó không còn hứng thú đến trường nữa và cuộc sống của nó sẽ trở thành một mớ hỗn độn. Đứa trẻ thậm chí có thể nghĩ rằng bố mẹ không yêu mình và sẽ tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiểm soát.
Vì vậy, bố mẹ nên nuôi dạy con một cách phù hợp, cho con đủ quyền tự chủ và thử thách phù hợp, giúp con phát triển những phẩm chất tâm lý vững vàng, khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập. Bằng cách này, trẻ có thể phát triển khỏe mạnh khi lớn lên và đối phó tốt hơn với nhiều thử thách khác nhau trong cuộc sống.
Để tránh sự kiểm soát quá mức gây ra hành vi nổi loạn ở trẻ, bố mẹ có thể thiết lập các kênh giao tiếp cởi mở, tôn trọng mong muốn và khả năng tư duy độc lập, đồng thời trao cho trẻ quyền tự chủ phù hợp.
Bố mẹ có thể thương lượng các quy tắc và ranh giới với con, cho trẻ tham gia vào quá trình ra quyết định, đồng thời giao những trách nhiệm thích hợp.
Yêu thương con cái là bản chất của mỗi bậc phụ huynh, nhưng việc nuôi dạy con theo cách chiều chuộng và kiểm soát quá mức sẽ khiến con dần trở nên vô kỷ luật và hình thành nhiều thói quen xấu.
Do đó, các chuyên gia khuyên bố mẹ hãy nuôi dạy con bằng sự kiên nhẫn, thấu hiểu và tôn trọng, giúp con thiết lập các quy tắc và ranh giới rõ ràng.