Thi tốt nghiệp THPT với 4 môn: Giảm môn thi, giảm áp lực cho học sinh
Các chuyên gia cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn (gồm 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số còn lại được học ở lớp 12) sẽ giảm áp lực cho thí sinh, giảm chi phí cho xã hội.
Bộ GD&ĐT đang đưa ra các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để đáp ứng mục tiêu đánh giá học sinh nhưng không tạo áp lực cho thí sinh cũng như tốn kém cho xã hội.
3 phương án mà Bộ GD-ĐT xin ý kiến là 6 môn (4 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn), 5 môn (3 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn) và 4 môn (2 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn).
Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá, công nhận kết quả tốt nghiệp và kết quả cũng được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Bà Hương ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng 4 môn (2 môn bắt buộc Văn và Toán + 2 môn tự chọn) bởi đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW với mục tiêu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Theo vị giám đốc Sở GD-ĐT, không nhất thiết môn học nào cũng bắt buộc học sinh phải thi. Bởi thi chỉ là một khâu cuối cùng để đánh giá, còn thực tế kiến thức của các em được lĩnh hội, cập nhật xuyên suốt quá trình dạy học.
“Nếu thi 4 môn thay vì 6 môn chỉ cần tổ chức thi tối đa trong vòng 2 ngày, giảm áp lực và tiết kiệm cho xã hội”, bà Hương nói.
Bà Hương cho rằng, với 2 môn bắt buộc Toán và Văn có thể đảm bảo cân bằng những năng lực tư duy tiêu biểu. Còn 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại trong chương trình đảm bảo cho việc học sinh có năng khiếu, thiên hướng theo lĩnh vực nào có thể lựa chọn, thậm chí theo định hướng nghề nghiệp, xét tuyển đại học.
“Với phương án này, học sinh nào có thiên hướng về các ngành nghề liên quan đến ngoại giao, ngoại ngữ có thể chọn thêm môn Tiếng Anh... Em nào có thiên hướng về lĩnh vực khoa học xã hội có thể chọn thêm 2 môn Lịch sử và Địa lý. Thí sinh có thiên hướng về lĩnh vực khoa học tự nhiên có thể chọn thêm Vật lý và Hóa học. Như vậy, việc thi tốt nghiệp THPT sẽ rất nhẹ nhàng, giảm áp lực cho các em”, bà Hương chia sẻ.
Bà Hương cho rằng, phương án 2+2 cũng giảm bớt độ “lệch”, cân bằng hơn trong lựa chọn, định hướng lĩnh vực, nghề nghiệp của học sinh, nếu so với phương án 4+2.
“Nếu theo phương án thi 6 môn với 4 môn bắt buộc, trong đó có Lịch sử và Tiếng Anh sẽ dễ dẫn đến xu hướng ít học sinh lựa chọn học theo lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bởi tâm lý chung, nếu phương án thi là 4+2 (trong đó bắt buộc 2 môn Lịch sử và Tiếng Anh), thí sinh nếu muốn lựa chọn theo lĩnh vực khoa học tự nhiên (2 môn tự chọn sẽ phải là 2 môn khoa học tự nhiên) sẽ phải học và cố gắng ôn luyện đều cả 6 môn, vất vả hơn các em theo lĩnh vực khoa học xã hội. Như vậy, thí sinh có thể bị chi phối hướng học theo phương thức của kỳ thi”, bà Hương phân tích.
Trước băn khoăn về môn Tiếng Anh, bà Hương cho hay thực tiễn ngoại ngữ này đã rất được quan tâm, học sinh được học ít nhất là 10 năm và nhiều nhất là 12 năm trong chương trình. Thậm chí, xu thế hiện nay, trẻ còn được làm quen Tiếng Anh từ bậc mầm non.
“Nếu quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá được quan tâm đầu tư, tổ chức tốt, các em sẽ có kiến thức vững vàng. Môn Lịch sử cũng tương tự vậy, khi đã là môn học bắt buộc trong chương trình học. Chúng ta chọn phương án thi để gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh.
Chúng ta không nên quá lo lắng rằng môn học không được là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ không học. Thi chỉ là một khâu rất nhỏ, còn học là cả quá trình 12 năm. Điều quan trọng là các nhà trường phải tổ chức tốt quá trình dạy học; nếu hấp dẫn, thu hút, các em sẽ học thôi”, bà Hương chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng, phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tốt hơn cả trong bối cảnh hiện nay.
"Tôi ủng hộ phương án 2+2 bởi phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD-ĐT hướng đến, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội”, ông Thống nói.
Với phương án này, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng không lo ngại vấn đề mất cân bằng trong lựa chọn các tổ hợp khối thi.
“Bởi Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn trong đánh giá năng lực, cũng như thi tốt nghiệp cấp THPT... Bên cạnh đó, các khối tổ hợp môn học chính ở THPT đều liên quan đến 2 môn học này.
Minh chứng rõ nhất là mùa tuyển sinh vừa qua, trong số các trường đại học đào tạo ngành y ở Việt Nam, có nhiều trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển. Ngoài ra, phương án này phù hợp cho cả 2 đối tượng thí sinh hệ phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên...”.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, việc quyết định phương án nào, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục trao đổi, trình xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, việc ra đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới ra sao để đáp ứng yêu cầu mới cũng là điều rất cần được quan tâm.
“Đề thi thế nào để đánh giá năng lực ở mỗi môn học? Cần thay đổi thế nào trong bối cảnh 1 chương trình nhiều SGK và mong muốn chống nạn chép văn mẫu? Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cũng cần tổ chức nghiên cứu, tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ ra đề thi theo yêu cầu mới; thử nghiệm và công bố sớm phạm vi, mô hình, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của các môn học...”, ông Thống chia sẻ.
Theo ông Thống, hiện, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, song muốn bỏ thi cần phải sửa Luật Giáo dục (2019); sửa yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội và nhiều vấn đề liên quan khác. Vì vậy, ông Thống cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các phương án tổ chức thi Bộ GD-ĐT đang nêu lên lấy ý kiến là hoàn toàn phù hợp.
Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 3 phương án:
Phương án 4 + 2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3 + 2: Thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2 + 2: Thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.