TP Hồ Chí Minh: Những điểm cần lưu ý khi tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2025 - 2026
Theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026 của UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt, việc tuyển sinh lớp 6 được thực hiện theo hình thức xét tuyển và được chia làm hai đối tượng tuyển sinh.
Công tác đăng ký tuyển sinh được thực hiện trực tuyến thông qua mã định danh của học sinh và tuân thủ theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin sử dụng trong tuyển sinh đảm bảo trích xuất 100% từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Thành phố.

Phương thức tuyển sinh lớp 6 thực hiện theo hình thức xét tuyển, trong đó tiêu chí xét tuyển được xây dựng như sau:
Đối với trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa và một số trường THCS tại địa phương có thể thực hiện xét tuyển dựa trên kết hợp hai tiêu chí gồm kết quả rèn luyện, học tập các năm học ở cấp tiểu học và kết quả khảo sát đánh giá năng lực.
Trong đó, các trường THCS tại địa phương phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu: có số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm gần đây và được Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Các trường THCS còn lại thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập ở cấp tiểu học và sử dụng dữ liệu từ bản đồ số phục vụ công tác phân bổ học sinh, trong đó khu vực tuyển sinh của các trường do UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện quyết định theo tình hình thực tế tại địa phương.
Tùy tình hình thực tế về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên và dân cư của mỗi địa phương, trên cơ sở tham mưu của phòng Giáo dục và Đào tạo, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.
Trường hợp các trường còn thiếu chỉ tiêu so với kế hoạch tuyển sinh ban đầu, việc bổ sung phải được ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp phê duyệt, đảm bảo tối đa quyền lợi học sinh và phù hợp với khả năng tiếp nhận, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị.
Đối với công tác tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường ngoại ngữ phải đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS và tăng cường chương trình hỗ trợ học sinh đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR).
Đối tượng tuyển sinh chia làm 2 dạng, trong đó: đối tượng 1 là học sinh có "nơi ở hiện tại" thuộc địa bàn, đã hoàn thành chương trình tiểu học và trong độ tuổi quy định; đối tượng 2 là học sinh có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, với đối tượng 2, Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần ban hành văn bản xác định rõ các đối tượng được ưu tiên xét tuyển, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại. Trong đó, có thể xem xét ưu tiên xét tuyển theo thứ tự các trường hợp đặc thù của mỗi khu vực như:
Học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn; học sinh có cha hoặc mẹ làm việc tại địa bàn (các khu công nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt trên địa bàn); học sinh có “nơi ở hiện tại” theo VNEID thuộc các khu vực ranh giới giữa các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; học sinh chuyển tỉnh; học sinh thuộc các trường hợp đặc thù của địa phương.
Học sinh thuộc đối tượng 2 phải đảm bảo các điều kiện: đăng ký tuyển sinh trên hệ thống tuyển sinh của Thành phố, đáp ứng các tiêu chí trong Kế hoạch tuyển sinh của địa phương. Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp của địa phương có thể xét tuyển theo thứ tự các đối tượng và chế độ ưu tiên, đảm bảo tuân thủ kế hoạch tuyển sinh của địa phương và khung thời gian do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành.
UBND TP Hồ Chí Minh lưu ý, hệ thống tuyển sinh của Thành phố chỉ hỗ trợ đăng ký theo địa bàn (thành phố Thủ Đức, quận, huyện) và phân loại theo đối tượng học sinh. Công tác phân bổ học sinh vào các trường trong địa bàn được thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh và quyết định của Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp.