Phía sau câu chuyện 'mẹ quát mắng, bắt con gái quỳ giữa sân trường vì không đậu vào lớp 10'
Với câu chuyện này, nhiều người không ngừng bàn tán trước lối ứng xử của người mẹ; đồng thời nói lên vấn đề "thành tích" còn tồn đọng bấy lâu nay liên quan đến chuyện học hành của con em.
Những ngày qua, trên MXH đã xôn xao bàn tán trước câu chuyện mẹ bắt con gái quỳ dưới sân trường. Mọi chuyện bắt đầu từ tiếng quát lớn "Quỳ xuống, mày không quỳ tao đánh chết mày luôn" vọng ra từ sân trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).
Không những vậy, khi được người khác can ngăn, người mẹ vẫn không thể bình tĩnh mà hét lớn: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi".
Câu chuyện xuất hiện trên MXH ngay lập tức nhận được sự chú ý của CĐM. Nhiều người không ngừng bàn tán trước lối ứng xử của người mẹ; đồng thời nêu lên suy nghĩ vấn đề "thành tích" còn tồn đọng bấy lâu nay liên quan đến chuyện học hành của con em.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên báo Lao Động, TS Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch hội đồng quản trị của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) xác nhận vụ việc trên và cho biết: Ngày xảy ra sự việc, ông không có mặt tại địa điểm, sau đó mới nghe được báo cáo từ phía các thầy cô giáo.
Theo thầy Hòa, lý do xảy ra sự việc trên là do con gái thi lớp 10 được 32 điểm, trong khi điểm chuẩn vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là 40 điểm. Phụ huynh này trước đó đã đóng phí đăng ký sớm (phí giữ chỗ vào trường), nhưng theo thầy Hoà khi được cộng 2 điểm phí giữ chỗ thì học sinh này vẫn không đủ điểm vào trường.
"Theo tìm hiểu, tôi được biết cả gia đình học sinh này vừa trải qua biến cố lớn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với sự đau thương do mất người thân đã khiến học sinh và phụ huynh chịu nhiều tổn thương",Thầy Hòa nói.
Hiện, phía trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hoàn lại phí giữ chỗ cho gia đình nữ sinh này.
Như vậy, chúng ta phần nào cũng cảm thông được cho người mẹ, tâm lý có phần bất ổn định khi có nhiều trắc trở trong cuộc sống ập đến, khiến người mẹ này ứng xử chưa khéo léo với con gái của mình. Qua câu chuyện này, là bài học cho nhiều phụ huynh về lối ứng xử với con em sao cho tinh tế, phù hợp để tìm ra hướng đi đúng đắn, không làm ảnh hưởng tâm lý của con em, đồng thời, không xảy ra bất hòa chỉ vì câu chuyện "thành tích học tập".
Quả thực, cha mẹ luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào con cái, cũng chỉ mong con cái có một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, phụ huynh không nên biến kỳ vọng của mình thành áp lực đè nặng lên con cái, bởi điều này sẽ tạo tác dụng ngược. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, điều mà các bạn cần hơn cả là sự thấu hiểu, cảm thông và động viên từ những người thân yêu của mình. Có như vậy, các bạn mới vững tinh thần, hoàn thành tốt những gì được tin tưởng và kỳ vọng.
Trước đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội diễn ra với sự tham gia của hơn 93.000 học sinh trên địa bàn thành phố.
Điểm chuẩn cao nhất của thành phố năm nay vẫn thuộc về trường THPT Chu Văn An với 53,3 điểm (tiếng Anh). Tiếp đó là THPT Kim Liên với 50,25 điểm và THPT Yên Hòa với 50 điểm.