Những điểm mới tại kỳ thi vào lớp 10 mà thí sinh Hà Nội cần lưu ý
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025 – 2026 tại Hà Nội có nhiều điểm mới, yêu cầu thí sinh phải nắm rõ để có tính toán hợp lý khi đăng ký và sắp xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển.
Không nhân hệ số
Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 tại Hà Nội giữ ổn định như những năm trước; tuy nhiên, có một số thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với Quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT.
Tại Hội nghị hướng dẫn xét tốt nghiệp THCS năm học 2024 - 2025; hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2025 - 2026; hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở GD&ĐT TP. Hà Nội nêu rõ, nguyên tắc đăng ký nguyện vọng, công thức tính điểm xét tuyển tại kỳ thi lớp 10 THPT công lập năm nay.

Theo đó, toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về vị trí địa lý và năng lực học tập, học sinh lựa chọn trường để đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển phù hợp.
Theo quy định của Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký NV dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3; trong đó, NV1 và NV2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh theo quy định; NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Nếu các năm trước, điểm xét tuyển lớp 10 THPT công lập là tổng điểm các môn thi, trong đó toán và ngữ văn nhân hệ số 2 thì năm nay, theo Quy chế tuyển sinh THPT mới điều chỉnh, điểm xét tuyển tại kỳ thi lớp 10 THPT công lập bằng tổng điểm của 3 bài thi theo thang điểm 10, không nhân hệ số. Trong công thức tính điểm xét tuyển có thêm điểm ưu tiên và điểm khuyến khích.
Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm.
Theo các chuyên gia, cách tính điểm thi lớp 10 theo quy chế mới bảo đảm các môn học có vị trí quan trọng ngang nhau; không phân biệt môn chính, môn phụ; đồng thời đòi hỏi học sinh phải học đều các môn. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là với cách tỉnh điểm này, tổng điểm xét tuyển tại kỳ thi lớp 10 năm nay tạo cảm giác thấp hơn năm trước bởi thay vì tổng 5 đầu điểm (điểm tối đa 50/50) thì số đầu điểm năm nay chỉ còn 03 (điểm tối đa 30/30). Vì vậy, để so sánh với điểm chuẩn các năm trước, thay vì so sánh tổng điểm, thí sinh và phụ huynh phải chia điểm trung bình các môn thi. Ví dụ, điểm chuẩn Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) năm trước là 42,5; tương đương 8,5 điểm/môn; như vậy với cách tính điểm mới thì điểm chuẩn năm trước của trường này là 25,5 điểm.
Nhiều phụ huynh băn khoăn cho rằng, với cách tính điểm mới thì mức độ chênh lệch điểm xét tuyển giữa các NV nên rút ngắn bớt; thay vì 01 – 02 điểm như hiện nay có thể giảm xuống còn 0,5 – 1 điểm (hoặc nhiều hơn). Giả sử, học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 0,5 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Có như vậy mới tăng cơ hội cho học sinh.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh và phụ huynh, đại diện Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT TP. Hà Nội) cho hay: căn cứ quy định hiện hành thì để bảo đảm cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đặt NV1 là trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích của mình. NV2 nên đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV1. Với NV3, học sinh có thể chọn trường ở khu vực tuyển sinh bất kỳ và là trường có điểm chuẩn thấp hơn ít nhất 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV2 để bảo đảm an toàn.
Một số điểm mới khác đáng lưu ý
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 – 2026 là kỳ thi lớp 10 đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về cấu trúc, định dạng đề thi.
Một điểm thay đổi quan trọng là đề thi ngữ văn năm nay có thể không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa. Theo ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT TP. Hà Nội), để ôn tập ngữ văn hiệu quả, ngoài các tác phẩm trong sách giáo khoa, học sinh nên đọc thêm tài liệu chính thống, sách báo, tuyển tập tác phẩm của nhiều tác giả uy tín để mở rộng vốn từ, cảm xúc…, từ đó dễ dàng giải quyết các câu hỏi, vấn đề được đặt ra trong đề thi.
Đề thi lớp 10 năm nay cũng xuất hiện dạng thức trắc nghiệm mới; nhiều câu hỏi gắn với thực tiễn đời sống, mang tính phân loại cao. Thầy Nguyễn Đăng Lâm, giáo viên Toán trường THCS Hoàng Mai dẫn chứng: trong đề thi toán, rất có thế xuất hiện các bài toán có lời văn nên học sinh cần đọc kỹ đề để xác định thông tin toán học cốt lõi. Các em cũng lưu ý không làm tắt để hạn chế nhầm lẫn và mất điểm.
Chia sẻ về cấu trúc, phạm vi nội dung kiến thức đề thi lớp 10, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hà Nội cho hay: đề thi vào 10 gồm các câu hỏi phù hợp với yêu cầu cần đạt của môn học và mục tiêu cấp THCS thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Ngay từ đầu năm học 2024 – 2025, Sở GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình mới kèm theo là các đề minh hoạ để các nhà trường và học sinh làm quen.
Thực hiện đúng chỉ đạo của Sở, thời điểm hiện tại, học sinh lớp 9 tại 100% trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn TP đã trải qua nhiều kỳ khảo sát, đợt kiểm tra… có đề và hình thức tổ chức giống như kỳ thi thật để học sinh tập dượt, rèn luyện khả năng, kỹ năng làm bài cũng như tâm lý phòng thi.
Năm nay, hai trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây chính thức trở thành trường chuyên, do vậy sẽ tuyển sinh 100% hệ chuyên, không tuyển hệ thường như năm trước. Đây cũng là một điểm thí sinh cần ghi nhớ để cân nhắc khi đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, học sinh lớp 9 sẽ nộp Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 vào ngày 18/4.
Các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn học sinh về các quy định có liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10, đồng thời tổ chức thu Phiếu đăng ký dự tuyển đúng quy định.
Kỳ thi lớp 10 THPT công lập năm học 2025-2026 tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 7 và 8/6. Ngày 9/6, thí sinh đăng ký dự thi vào trường chuyên làm bài thi các môn chuyên.