Nỗ lực giành giật sự sống cho bé 3 tuổi mắc cúm B
Các bác sĩ khoa Hồi sức Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã nỗ lực gần 90 ngày điều trị cho bệnh nhi.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, PGS.TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh nhi T.H.T (3 tuổi, ở Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Những ngày đầu tháng 10, bệnh nhi được điều trị tại khoa Hồi sức Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé sốt cao 2 ngày, đến ngày thứ 3 co giật toàn thân.
Khi nhập viện, bệnh nhi bị hôn mê, suy hô hấp được thở máy, sốc phải dùng cả vận mạch noradrenalin và adrenalin, phù não điều trị bằng mannitol, natri ưu trương và kháng sinh.
Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bạch cầu máu tăng cao 29.000 tế bào/uL, CRP tăng 65 mg/L, procalcitonin cũng cao 3,85 ng/ml, tổn thương gan nặng với AST/ALT 2900/2500 U/L, lactate máu 3,2 mmol/L, toan hô hấp và cả chuyển hoá với pH 6,9, pCO2 90 mmHg.
Tác nhân gây bệnh được xác định là Acinetobacter sp và Influenzae type B. Trong đó, cúm B là tác nhân gây suy hô hấp nặng, tổn thương phổi lan tỏa, còn Acinetobacter sp là vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh.
Bác sĩ Nguyên cho biết, gia đình đã nhiều lần xin cho bệnh nhi về khi thấy tình trạng quá nặng. Quá trình điều trị cho bệnh nhi rất căng thẳng, bé trải qua 40 ngày thở máy và 10 ngày lọc máu, tổn thương đa cơ quan, trong đó tổn thương phổi nặng, PaO2/FiO2 có lúc chỉ 0,3.
Tình hình khó khăn hơn khi bệnh nhi không thể thực hiện hỗ trợ hô hấp qua màng ngoài cơ thể (ECMO) vì nhiễm vi khuẩn đa kháng, trong khi oxy hóa máu duy trì khó khăn.
Các bác sĩ và điều dưỡng phải theo dõi kỹ lưỡng, áp dụng tất cả biện pháp hỗ trợ thông khí, hạn chế dịch, lợi tiểu, siêu lọc máu liên tục… nhằm giành lấy mạng sống cho bệnh nhi.
Khi tổn thương phổi cải thiện, bệnh nhi lại bị tràn khí màng phổi 2 lần, phải đặt ống dẫn lưu. Dinh dưỡng được tính toán phù hợp để bổ sung, giúp bệnh nhi có đủ chất và năng lượng chống chọi bệnh tật.
Sau một thời gian, tình trạng cải thiện dần từ hô hấp, chức năng gan, thận và tri giác. Bệnh nhi được rút ống thở. Trong thời gian tiếp theo, bệnh nhi và gia đình sẽ tiếp tục học phục hồi ngôn ngữ, tập vận động, khám tâm lý.
“Bé T. vượt qua giai đoạn tưởng chừng như không thể”, bác sĩ Nguyên cho biết. Bác sĩ chia sẻ thêm, gần 90 ngày điều trị là hành trình căng thẳng của bệnh nhi và các y bác sĩ.