Dự kiến tăng mức phạt về vi phạm an ninh, trật tự
Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức xử phạt hành chính tối đa lĩnh vực an ninh trật tự từ 40 lên 75 triệu đồng nhằm tăng tính răn đe và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.
Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, do cơ quan này chủ trì soạn thảo. Trong đó, có đề cập điều chỉnh mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực.
Việc điều chỉnh mức phạt tiền được Bộ Tư pháp cho rằng, hiện có nhiều quy định liên quan đến mức tiền phạt tối đa, thẩm quyền phạt tiền đã trở nên lạc hậu trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Sự gia tăng về thu nhập, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm khiến nhiều quy định về thẩm quyền và mức phạt hiện tại không còn đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, các vụ việc dồn quá nhiều lên cấp trên do giới hạn về thẩm quyền phạt tiền của các chức danh ở cơ sở, gây khó khăn cho công tác xử phạt.

Vì thế, dự thảo luật quy định tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực như:
- An ninh trật tự, an toàn xã hội tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
- Cản trở hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự, phá sản, giao dịch điện tử, bưu chính tăng từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng;
- Bổ sung mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng...
Theo Bộ Tư pháp, việc tăng mức phạt tối đa như trên sẽ giúp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội; tăng tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Đáng chú ý, dự thảo luật còn sửa đổi, bổ sung một số quy định về các trường hợp thực hiện tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong đó, có bổ sung quy định về việc bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu có căn cứ cho rằng tang vật, phương tiện không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng. Quy định trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài "quá tải" trong bảo quản, quản lý tang vật, tránh thất thoát, lãng phí.