Kinh Môn–Hải Dương: Nghi vấn 'bảo kê' cho khai thác đất không phép?
Mặc dù đã hết thời hạn khai thác khoáng sản nhưng một doanh nghiệp ở thị xã Kinh Môn, Hải Dương vẫn ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất đi tiêu thụ.
Sự việc khiến cho tài nguyên bị “chảy máu”, gây thất thu ngân sách nhà nước
Theo tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử thu thập được thể hiện: Công ty sản xuất VLXD Quyết Tiến (Công ty Quyết Tiến) được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000277, thay đổi lần thứ nhất vào ngày 23/1/2013. Đến ngày 23/5/2013, UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy phép số 1045/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Quyết Tiến.
Theo nội dung giấy phép, cho phép Công ty Quyết Tiến khai thác đất đồi bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đất đồi núi Bu Lu, thuộc xã Bạch Đằng và xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn), Hải Dương. Diện tích khai thác là 20,0ha; trữ lượng khai thác 3.519.582,7 m3; công suất khai thác từ 400.000 – 500.000 m3/năm; Thời hạn khai thác là 8 năm.
Qua kiểm tra, thấy Công ty Quyết Tiến đã hết thời hạn hoạt động khai thác đất trên địa bàn. Ngày 13/10/2020, UBND xã Lê Ninh ban hành Công văn số 43/CV-UBND về việc cung cấp tài liệu, hồ sơ cấp phép khai thác đất đồi núi Bu Lu đảm bảo theo quy định; sớm có biện pháp khắc phục về khai thác đất ảnh hưởng tới việc thoát nước, nhất là trong thời điểm hiện nay đang là mùa mưa lũ, đồng thời có biện pháp giảm bụi tiếng ồn trong quá trình hoạt động, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân.
Quá trình xác minh sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lê Ninh về vấn đề trên. Ông Kiên cho biết: “Xã đã đề nghị Công ty Quyết Tiến phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến cấp phép khai thác đất đồi núi Bu Lu trước ngày 21/10/2020. Tuy nhiên đến nay (3/11) công ty vẫn chưa thực hiện các nội dung đề nghị của xã (?)”
Thực tế, thời điểm hiện tại Công ty Quyết Tiến vẫn đang tích cực khai tác, vận chuyển đất đi tiêu thụ khắp nơi, với số lượng rất lớn. Việc này có dấu hiệu khai thác đất trái phép ngay “giữa thanh thiên bạch nhật”, mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn. Điều này khiến dư luận băn khoăn đặt nghi vấn, liệu có thế lực nào đó “bảo kê” cho Công ty Quyết Tiến đánh cắp tài nguyên quốc gia?
Sự việc không chỉ dừng lại ở những vấn đề trên, tình trạng hoạt động khai thác đất của Công ty Quyết Tiến đã và đang bị người dân địa phương bức xúc, phản ứng dữ dội. Bởi lẽ, kể từ khi công ty huy động thiết bị, máy móc vào khai thác đất đã khiến môi trường sống trong khu vực bị ô nhiễm nặng nề, con đường dân sinh của người dân bị cày nát…
Để làm rõ sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã “mục sở thị” khu vực khai thác đất của Công ty Quyết Tiến. Hình ảnh trước mắt chúng tôi là hàng loạt xe tải trọng lớn, có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chúng được chất đầy đất để chở đi tiêu thụ. Cả một tuyến đường dài hàng km đã bị “băm nát” thành những “ổ voi”, vũng sâu khiến việc di chuyển của người và phương tiện tham gia giao thông qua đây vô cùng khó khăn.
Chị Nguyễn Thị M. sống dưới chân núi Bu Lu, bức xúc cho biết: “Vào thời tiết nắng thì bụi bay mù mịt, không một nhà nào dám mở cửa, mỗi khi trời mưa thì tuyến đường bị ngập nước sâu, trơn trượt nên người dân không thể di chuyển qua đây. Tuyến đường này gần như bị tê liệt hoàn toàn, chúng tôi khốn khổ vì cái mỏ đất này”.
Trong một diễn biến khác, theo tài liệu mà PV thu thập được, trong các năm 2017, 2018 và hiện nay Công ty Quyết Tiến liên tục có những việc làm thể hiện sự coi thường chính quyền địa phương, và người dân có đất bị thu hồi để làm dự án. Cụ thể:
Năm 2017, khi Hội đồng giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện hồ sơ và công ty chưa đền bù đất đai, cây cối, mộ chí cho người dân, nhưng đơn vị này vẫn tổ chức thực hiện khai thác, vận chuyển đất đi bán.
Tiếp đó, ngày 5/6/2018, UBND xã Lê Ninh phải ra Công văn số 25/CV-UBND về việc yêu cầu khắc phục hậu quả khi thực hiện khai thác đất đồi núi Bu Lu đối với Công ty Quyết Tiến.
Theo đó, khi thực hiện giai đoạn 2 dự án, Công ty Quyết Tiến còn nợ xã Lê Ninh hơn 1 tỷ đồng tiền bồi thường đất núi của xã. Hơn nữa các hồ sơ, thủ tục bàn giao đất giai đoạn 2 chưa thực hiện, nhưng công ty vẫn cho khai thác sang phần diện tích đất thuộc giai đoạn này. Do công tác chuẩn bị chưa xong, nên việc khai thác này đã làm sỏi, đá đổ dồn từ trên núi xuống đất, vườn của một số hộ dân. Đặc biệt, hộ ông Bình còn bị nước tràn vào nhà, ngập khoảng 40 cm làm ướt hết thóc, đồ đạc trong nhà.
Mới đây nhất, ngày 10/8/2020, chính quyền xã Lê Ninh lập biên bản làm việc với Công ty Quyết Tiến, để giải quyết những phản ánh của người dân xóm 17, thôn Ninh Xá về việc công ty khai thác đất gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, khói bụi trong khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình…
Với hàng loạt sai phạm đã được lập thành biên bản như trên, nhưng kỳ lạ là trong toàn bộ hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, cũng như tài liệu xã Lê Ninh cung cấp. Tuyệt nhiên không thấy “bóng dáng” quyết định hay văn bản xử lý vi phạm hành chính nào đối với Công ty Quyết Tiến (?!).
Về nội dung này, nhiều ý kiến thắc mắc, với bề dày thành tích “vô tiền khoáng hậu” nêu trên, không hiểu bằng cách nào đó mà Công ty Quyết Tiến lại lọt qua được quá trình thẩm định, đánh giá hồ sơ năng lực rất khắt khe của các ngành chức chức năng, trước khi được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép khai thác khoáng sản?
Từ những căn cứ, phản ánh trên rất cần ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát lại hồ sơ cấp phép khai thác khoảng sản của Công ty Quyết Tiến. Nếu phát hiện doanh nghiệp này đã hết thời hạn khai thác, thì cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, để tránh thất thoát tài nguyên quốc gia, gây thất thu ngân sách nhà nước. Trường hợp đơn vị này đề nghị gia hạn giấy phép khai thác đất dự án trên, thì cần thận trọng xem xét những “vấn đề” của công ty này.