Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 22/08/2023 23:35 (GMT+7)

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng nhanh

Theo dõi GĐ&PL trên

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Ghi nhận thêm nhiều ổ dịch mới

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 996 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng 234 ca so với tuần trước đó.

Số ca mắc mới ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn; trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Hoàng Mai (103 ca), Thanh Trì (73 ca), Thạch Thất (63 ca), Bắc Từ Liêm (55 ca), Hà Đông (55 ca)...

Trong tuần qua, Hà Nội có thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết mới, tại 20 quận, huyện, thị xã; trong đó quận Hoàng Mai đang cao nhất với 13 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (10 ổ dịch); Đan Phượng (6 ổ dịch)... Hiện cả thành phố còn 129 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động.

Một số ổ dịch sốt xuất huyết có nhiều ca bệnh như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) với 344 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 186 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) với 217 bệnh nhân…

Tại các cơ sở y tế của Hà Nội, tính đến tuần trước, đã có khoảng 776 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị; trong đó có 8 ca nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là nơi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhất với khoảng 100 ca, tại Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 ca…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm 2023 tại Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10. Giai đoạn này, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ cao, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Cùng với đó, Hà Nội đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc dẫn đến nguy cơ cao bùng phát, lan rộng dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, giai đoạn này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, cũng là nguyên nhân làm tăng số ca thuộc đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sẽ vẫn tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Nhiều ổ dịch có chỉ số bọ gậy vượt ngưỡng

Theo kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch sốt xuất huyết trong tuần qua tại Hà Nội, nhiều nơi vẫn ghi nhận chỉ số bọ gậy (chỉ số BI) sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ như: Tại ổ dịch thôn thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) có chỉ số BI=35; phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) có BI=50… trong khi chỉ số BI=20 đã là ngưỡng cao.

Hà Nội đang tiếp tục tiến hành giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch tại các quận, huyện như: Phú Xuyên, Tây Hồ, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tại Hà Nội có các huyện Thạch Thất và Thanh Trì là có diễn biến dịch sốt xuất huyết phức tạp, với số ca bệnh nhiều nhất; có các ổ dịch phức tạp, kéo dài.

Nguyên nhân là do các ổ dịch đã không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu, do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gậy của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy. Đặc biệt, hiện ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng, chống dịch. Vì vậy, chỉ số bọ gậy sau xử lý tại các khu vực này đều cao vượt ngưỡng nguy cơ; sau đó, đã lây lan sang các khu vực lân cận.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã cử các đội cơ động phòng, chống dịch trực tiếp đến các địa phương, hướng dẫn thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch.

Vừa qua, Hà Nội cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý. Không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng… để quyết liệt ngăn không cho dịch bùng phát mạnh.

Cùng chuyên mục

Bệnh lao trẻ em: Hiểu đúng để điều trị sớm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số trẻ mắc lao chiếm từ 10-12% tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới trong đó có 1,2 triệu ca ở trẻ em dưới 15 tuổi và khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.
Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.

Tin mới