Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 05/04/2024 08:06 (GMT+7)

Hà Nội: Hậu kiểm ngăn chặn thực phẩm không an toàn

Theo dõi GĐ&PL trên

Hà Nội tổ chức 2 đợt kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, trong đó đợt kiểm tra mùa "Lễ hội Xuân" đang tiến hành, đợt còn lại diễn ra nhân “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm.”

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố vừa ký ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Kế hoạch nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp từ thành phố đến cơ sở, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Trọng tâm của công tác hậu kiểm là đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; nhóm sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) dùng làm thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn, kinh doanh thức ăn đường phố; kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt kẹo, phụ gia thực phẩm... và các sản phẩm thực phẩm theo phân công trách nhiệm quản lý của các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương, đồng thời đánh giá tình hình về an toàn thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm định hướng giải pháp quản lý.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet).

Ban Chỉ đạo lưu ý hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đánh giá việc cấp các loại giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Bản tự công bố sản phẩm...

“Công tác hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định,” Kế hoạch nêu rõ.

Theo Kế hoạch, năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố tổ chức 2 đợt kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, trong đó đợt kiểm tra dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 đang tiến hành, đợt còn lại diễn ra nhân “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024.

Đối với hậu kiểm chuyên ngành sẽ tập trung hậu kiểm thuộc các lĩnh vực: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Riêng tuyến quận, huyện, thị xã thì căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã để chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm.

Hoạt động hậu kiểm sẽ chú trọng đến: Công tác bảo đảm chất lượng thực phẩm; Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm; Đối với cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, nhóm sản phẩm OCOP dùng làm thực phẩm; kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

“Tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm đặc biệt đối với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên Internet và môi trường mạng. Tránh chồng chéo trong hoạt động hậu kiểm. Hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, tuân thủ đúng quy định của pháp luật,” Kế hoạch nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục

Bệnh lao trẻ em: Hiểu đúng để điều trị sớm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số trẻ mắc lao chiếm từ 10-12% tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới trong đó có 1,2 triệu ca ở trẻ em dưới 15 tuổi và khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.

Tin mới

Dịch vụ vệ sinh công nghiệp của Dịch vụ Nam Hưng có ưu điểm gì nổi bật?
Dịch vụ vệ sinh công nghiệp đóng vai trò quan trọng để tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn. Trên thị trường hiện nay có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Trong đó, Dịch vụ Nam Hưng là đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.