Điều tra nhóm người 'lạ mặt' xưng là cán bộ đến cưỡng chế, hủy hoại tài sản doanh nghiệp?
Ngày 09/10, Công an phường Hàm Tiến (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết đang tiến hành xác minh, làm rõ phản ánh một doanh nghiệp bị nhóm đối tượng xưng là “cán bộ nhà nước” đến thực hiện “cưỡng chế”, đập phá tài sản?
Nhanh chóng rút khỏi hiện trường khi nghe tin Công an đến
Phản ánh đến Tạp chí Luật sư Việt Nam, đại diện Công ty TNHH M.T. cho biết, vào lúc 9h17 ngày 02/10, nhóm đối tượng gồm ông Đ.T.N., ông Đ.H.A. dẫn theo đoàn hơn 10 người cùng xe cơ giới, xe cuốc đã ngang nhiên vào khu vực đang triển khai dự án của công ty.
Trong nhóm trên, có 01 phụ nữ tên Vân, tự xưng là công chức Tòa án; 01 người đàn ông không rõ tên, tự xưng là công chức cơ quan an ninh và 01 người đàn ông tự xưng công chức ngành kiểm sát. Điều đáng nói là nhóm người “lạ mặt” này đều mặc thường phục, chứ không phải là đồng phục ngành.
Sau khi xưng danh, nhóm người này ngang nhiên xông đến container nơi làm chòi bảo vệ đánh đuổi bảo vệ bỏ chạy và lấy một tờ giấy gì đó ra đọc. Sau khi đọc xong thì nhóm người này tiến hành đập phá, tháo dỡ văn phòng, cắt dây điện, đập 06 bộ camera, 02 bộ đèn, dùng xe cuốc đập phá, lật úp contairner (dùng để làm văn phòng), làm hư hỏng tài sản vật dụng bên trong. Tổng giá trị thiệt hại hơn 70 triệu đồng.
Nhận được báo cáo của nhân viên, lãnh đạo Công ty M.T. đã trình báo ngay sự việc với Công an phường Hàm Tiến để xác minh thông tin có đoàn công tác đến cưỡng chế đất của công ty hay không? Công an phường Hàm Tiến trả lời không nhận được thông báo nào và cho lực lượng đến hiện trường kiểm tra. Điều bất thường là sau khi được nhân viên công ty thông báo là công ty đã trình báo sự việc với cơ quan công an và cơ quan công an đang đến. Nghe được thông tin này, nhóm người “lạ mặt”, nhanh chóng rút khỏi hiện trường.
Sau đó, Công an phường đã tiến hành lập biên bản hiện trường, ghi lời khai của các bảo vệ và cho biết sẽ tiến hành xác, minh triệu tập các đối tượng lên làm việc.
Đại diện Công ty M.T. cũng cho biết thêm: “Đến ngày 07/10, vừa qua, nhóm người này lại tiếp tục đến khu vực dự án của công ty để lấn chiếm và làm thay đổi hiện trạng của dự án”.
Đi “cưỡng chế” nhưng không đọc quyết định cưỡng chế
Là nhân chứng chứng kiến toàn bộ hành vi của nhóm người “lạ mặt”, ông Bùi Hoàng P. (nhân viên bảo vệ của Công ty M.T.) cho biết, sáng 02/10, ông P. cùng các nhân viên khác chuẩn bị triển khai công việc hàng ngày thì một nhóm người rất đông, có cả máy múc ầm ầm xông vào khu vực dự án. Chưa hiểu chuyện gì, thì họ hô hào đuổi nhân viên Công ty M.T. ra ngoài và cho máy múc đập phá văn phòng làm việc.
“Khi chúng tôi hỏi giấy tờ thì họ không xuất trình, chúng tôi quay phim, chụp ảnh để có bằng chứng trình báo cơ quan công an thì họ đuổi đánh và đòi tịch thu điện thoại. Điều chúng tôi thắc mắc là tại sao “đoàn cưỡng chế” lại không đọc lệnh cưỡng chế mà có hành vi giống côn đồ. Ngoài ra, trong đoàn lại có mặt ông Đặng Thành N., người thường xuyên gây rối tại khu vực dự án và cũng chính ông N. là người trực tiếp lái máy múc đập phá tài sản của công ty?", ông P. nói.
Liên quan đến vụ việc, trả lời PV, đại diện Công an phường Hàm Tiến cho biết: “Công an Hàm Tiến đã tiếp nhận đơn phản ánh của doanh nghiệp bên bị hại và đang xác minh, làm rõ vụ việc”. Cũng theo thông tin từ Công an phường Hàm Tiến, thời gian qua, không có lệnh cưỡng chế nào đối với phần đất nêu trên của Công ty M.T.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty M.T. cũng thông tin, dự án Sun Hill City của công ty tại khu vực giáp ranh giữa các phường Hàm Tiến, phường Mũi Né và xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, cho biết: “Đây là khu đất do Nhà nước quản lý và đã giao cho công ty thực hiện Dự án theo Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận. Công ty chúng tôi triển khai dự án hợp pháp, có đầy đủ các thủ tục và được cơ quan chức năng cho phép thi công. Nhưng trong quá trình thi công, nhiều người dân địa phương liên tục đến lấn chiếm đất dự án và gây rối dưới sự hỗ trợ của các nhóm giang hồ, nên chúng tôi rất bức xúc”.
Luật sư nói gì?
Đánh giá về vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết hành vi ứng xử côn đồ như đe doạ, đập phá, cản trở nhân viên công ty thực hiện dự án trên đất, cần phải bị nghiêm. Cơ quan công an tại địa phương cần phải xem xét mức độ tài sản trên đất (đường sá, công trình,…) bị huỷ hoại có thể bị xử lý hình sự theo quy định về hành vi huỷ hoại tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự) hay không?. Đồng thời, xử lý thích đáng hành vi đe doạ, dùng hung khí tấn công nhân viên công ty của nhóm côn đồ. Tất cả các hành vi xâm phạm, đe doạ người khác đều phải bị pháp luật xử lý tuỳ mức độ, xử phạt hành chính bằng tiền hoặc xử lý hình sự.
Trong khi đó, đánh giá về hành vi giả danh cán bộ nhà nước sẽ bị xử lý như thế nào, Luật sư Nam phân tích thêm: “Nếu cơ quan công an điều tra xác minh, nhóm người “lạ mặt” trên có hành vi “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” thì theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức phạt cao nhất đối với tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” là 2 năm tù.
“Có thể khẳng định, những hành vi của các nhóm đối tượng trên là trái với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án của các doanh nghiệp và gây bất bình trong dư luận. Vì thế, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các ngành có liên quan nhanh chóng xử lý dứt điểm những vụ việc trên, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, Luật sư Nam nhấn mạnh.