Bình Thuận: Giang hồ ‘bảo kê’ tranh chấp, lấn chiếm đất dự án?
Bên cạnh tình trạng đất công rơi vào tay tư nhân, chúng tôi nhận nhiều phản ánh về việc đất ở TP. Phan Thiết đã giao cho doanh nghiệp làm dự án xẩy ra tranh chấp, lấn chiếm, với sự "tham gia" của các nhóm giang hồ.
Hành vi coi thường pháp luật
Trao đổi với PV, công ty M.T., một đơn vị đang thực hiện dự án tại khu vực giáp ranh giữa các phường Hàm Tiến, phường Mũi Né và xã Thiện Nghiệp (Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), cho biết rất bức xúc khi nhiều người dân tranh chấp, lấn chiếm đất dự án, có dấu hiệu “bảo kê” của các nhóm giang hồ.
Đây là khu đất do Nhà nước quản lý và đã giao cho công ty thực hiện dự án theo quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận.
Đại diện công ty M.T. cho biết, từ tháng 4/2021, khi công ty đang tập kết vật tư để thực hiện dự án thì một nhóm hơn 10 người xuất hiện ngăn cản. Họ tự nhận mình là đại diện của bà N.T.N. và cho rằng khu đất mà công ty đang tập kết vật tư là đất của bà N., yêu cầu công ty di chuyển vật tư đi nơi khác.
Khi đại diện công ty hỏi về giấy tờ chứng minh khu đất này thuộc quyền sử dụng của bà N. thì nhóm này không chứng minh được, mà dùng dao đe dọa, đuổi đánh nhân viên khiến mọi người hoảng sợ.
Sau khi công ty trình báo vụ việc, chính quyền địa phương đã mời các đối tượng trên đến làm việc và yêu cầu cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, không lâu sau đó nhóm này vẫn nhiều lần xuất hiện tại khu vực công ty M.T. đang thực hiện dự án để gây rối.
Đặc biệt, vào đêm 29/4 vừa qua, nhóm này đem theo hung khí đuổi đánh nhân viên, đập phá tài sản và lấy đi 1 xe máy của bảo vệ công ty. Bên cạnh đó, nhóm này còn tấn công bảo vệ, lấy đi túi xách, trong túi có gần 10 triệu đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an phường Hàm Tiến đến hiện trường ghi nhận, mời nhân viên công ty về trụ sở lấy lời khai và yêu cầu nhóm đối tượng mang tài sản đến trả lại. Tuy nhiên, nhóm này trả lại túi xách nhưng tiền bên trong không còn.
Đại diện công ty M.T. còn cho biết, vào tháng 6/2021, một nhóm khác cũng ngang nhiên đưa xe cào vào đất dự án lấy đá, vật tư công trình, phá hủy 30 trụ sắt phi 90 làm hàng rào, phá dỡ toàn bộ nhà bảo vệ cùng 5 camera an ninh cùng các thiết bị khác, thiệt hại hàng chục triệu đồng; đồng thời dùng lời lẽ thô tục, có tính thách thức.
Sau khi chính quyền địa phương đến làm việc, nhóm này cho biết là đại diện cho bà N.T.M. và ông N.N.T., tuy nhiên không xuất trình được giấy ủy quyền và giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.
Đại diện chính quyền xã Thiện Nghiệp đã lập biên bản yêu cầu dừng mọi hoạt động lấn chiếm và mời các bên đến UBND xã làm việc, cung cấp giấy tờ có liên quan vào ngày 28/6 (thứ Hai). Tuy nhiên, đến 27/6 (ngày Chủ nhật), lợi dụng ngày nghỉ, nhóm này tiếp tục đến trồng trụ, rào chiếm đất tại dự án.
Không chỉ riêng công ty M.T., liên quan đến tranh chấp đất đai, mới đây nhất, trong các ngày 4, 5 và 6/8, gia đình ông N.T.V. dẫn một nhóm người tự ý đưa phương tiện đến san ủi, đào bới, dựng rào và trồng dừa trên khu đất đã được Nhà nước giao cho một đơn vị thực hiện dự án tại phường Mũi Né.
Đang trong quá trình điều tra, xác minh
Theo thông tin ghi nhận của PV, hành vi trên bất chấp đây là thời điểm TP. Phan Thiết đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19. Liên quan vụ việc, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết đã có chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất và tụ tập đông người trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16.
Theo đó, vào ngày 6/8, Công an TP. Phan Thiết lập biên bản và ra quyết định xử phạt 9 triệu đồng đối với nhóm ông N.T.V. về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Liên quan đến vụ việc mà công ty M.T. phản ánh, thông tin với PV, đại diện Công an TP. Phan Thiết cho biết, cơ quan đã tiếp nhận thông tin về vụ việc và hiện đang trong quá trình điều tra, xác minh, khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể.
Qua các vụ việc trên, đại diện các doanh nghiệp cho biết, rất mong chính quyền các cấp xem xét, chỉ đạo các ngành có liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất dự án đã giao cho doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời làm rõ, xử lý nghiêm các nhóm giang hồ “bảo kê” cho hành vi chiếm đất nói trên.
Hành vi vi phạm pháp luật cần phải nghiêm trị
Về góc độ pháp lý, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh), cho rằng, hành vi ứng xử côn đồ như đe doạ, đập phá, cản trở nhân viên công ty thực hiện dự án trên đất, cần phải bị nghiêm trị. Cơ quan công an tại địa phương cần phải đánh giá mức độ tài sản trên đất (đường sá, công trình…) bị huỷ hoại để xem xét xử lý hình sự theo qui định về hành vi huỷ hoại tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự).
Tất cả các hành xử đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật, chúng ta không thể chấp nhận cách hành xử ngoài hành lang pháp luật. Nếu những cá nhân nào cho rằng, đất là của mình thì đều có quyền khiếu nại lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khởi kiện lên toà án để được giải quyết bảo vệ quyền lợi.
“Không thể để cho các kiểu hành xử ngoài pháp luật tồn tại mới đảm bảo kỷ cương phép nước trong cộng đồng xã hội. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm khi để trên địa bàn mình quản lý tồn tại băng nhóm côn đồ can thiệp vào các dự án, các quan hệ dân sự”, luật sư Dũng cho biết thêm.