Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 25/05/2024 14:20 (GMT+7)

Cân nhắc quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ

Theo dõi GĐ&PL trên

Ngày 24/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Theo đó, các Đại biểu Quốc hội còn có nhiều ý kiến khác nhau về quy định bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ.

Cân nhắc quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ
Ảnh minh họa.

Đối với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng có mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đồng tình và cho rằng, quy định như vậy để có căn cứ xử lý tội phạm sử dụng dao có tính sát thương cao gây án.

Đại biểu Lê Nhật Thành dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 05 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16 nghìn vụ, 26 nghìn đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án. Theo Địa biểu, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao. Trong đó, nhiều vụ do các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cũng cho rằng, về xác định dao là vũ khí thô sơ, ngay ở Hà Nội cũng có nhiều ví dụ điển hình.

Cứ vào ngày cuối tuần, ngày lễ, ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, nhiều đối tượng 15-16 tuổi “rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường… Lực lượng chức năng rất khó xử lý, cùng lắm xử tội gây rối trật tự, với điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi. Nếu chúng ta bổ sung như dự thảo Luật lần này thì sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng ở độ tuổi đó.

Đại biểu đồng tình với các Đại biểu Quốc hội, việc bổ sung dao vào dự thảo Luật này cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích. Việc bổ sung quy định này vào Luật giúp xử lý được hành vi, đồng thời cũng có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.

Cùng quan tâm về quy định nêu trên, Đại biểu Quốc hội Tráng A Tủa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho rằng, cần phân định cụ thể: Dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành; dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định chặt chẽ hơn nội dung này để tránh gây xáo trộn, khó khăn trong đời sống, sinh hoạt cũng như sản xuất thường ngày của người dân và để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện luật trong cuộc sống.

Bởi theo Đại biểu, thực tế rất khó xác định khi nào thì dao được xem là vũ khí. “Đôi khi, dao đang là vật dụng hằng ngày sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhưng khi dao được sử dụng để gây án thì nó được xem là vũ khí mang tính sát thương cao”, đại biểu nói.

Về việc khai báo vũ khí thô sơ, theo Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam), cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định về việc khai báo khi có nhu cầu sử dụng vũ khí thô sơ làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo... Đại biểu cho rằng, theo quy định hiện hành của dự thảo Luật, phạm vi của vũ khí thô sơ rất rộng và rất khó để phân định với các công cụ, phương tiện sinh hoạt, sản xuất hằng ngày nhưng có tính sát thương cao. Bên cạnh có, vũ khí thô sơ là những loại vũ khí, công cụ, phương tiện có cấu tạo, nguyên lý hoạt động rất đơn giản, vì vậy, việc kê khai nếu được tiến hành trên thực tế sẽ chủ yếu là kiểm kê về số lượng.

Do đó, theo Đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ mục đích của hoạt động khai báo và phạm vi vũ khí thô sơ cần phải khai báo. Tôi cho rằng, việc xử lý vi phạm trong sử dụng vũ khí thô sơ đã được quy định tại Bộ luật Hình sự và với phạm vi rộng như quy định dự thảo Luật thì cần giới hạn phạm vi cụ thể, không nhất thiết phải bắt buộc khai báo toàn bộ vũ khí thô sơ.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các Đại biểu Quốc hội nhận định, việc xây dựng và ban hành Luật là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Cùng chuyên mục

TRỰC TIẾP: Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc điếu văn, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới".

Tin mới

Mắc bệnh ngoài da vì nước ngập
Nhiều người Hà Nội trong 2 ngày gần đây đều phải ngâm xe và chân trong nước do ngập úng. Không ít người sau khi trở về nhà đã phải dắt xe đi sửa, đồng thời đi khám bác sĩ vì mắc bệnh ngoài da.