Bố mẹ dù giận con đến mấy cũng đừng nói 3 câu này trước mặt con, nếu không muốn về sau sống trong ân hận
Bố mẹ cũng nên chú ý đến lời nói của mình khi trò chuyện với con, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Thực tế, trẻ phạm sai lầm là điều đương nhiên và hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thái độ tiếp cận của bố mẹ khi con mắc sai lầm là chưa phù hợp, điều này vô tình khiến "chuyện nhỏ hóa to", ảnh hưởng đến tâm trạng và phát triển tính cách ở trẻ.
Các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ không nên truyền tải thông điệp tiêu cực, hãy chú ý đến lời nói của chính mình khi giao tiếp với con trẻ. Đặc biệt, nên hạn chế nói 3 câu sau đây trong lúc nóng giận.
"Con đừng nói nữa, mẹ không muốn nghe"
Bố mẹ là những người đầu tiên giao tiếp với trẻ, là yếu tố quan trọng để hình thành và củng cố mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Đây cũng chính là chìa khóa để hình thành sự hiểu biết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, là nền tảng để duy trì mối quan hệ này trong suốt cuộc đời.
Đồng thời, thông qua giao tiếp, cha mẹ sẽ hiểu những vấn đề con gặp phải để từ đó có thể phối hợp, điều chỉnh phương pháp giáo dục kịp thời.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ từ chối giao tiếp hoặc không chịu bày tỏ ý kiến trước trẻ sẽ đánh mất nhiều cơ hội hướng dẫn, giúp con giải quyết vấn đề. Từ đó sẽ khiến trẻ lệch lạc trong tư duy, kéo theo sự lệch lạc trong hành động.
Lâu dần vô tình tạo khoảng cách giữa bố mẹ, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn, trẻ có thể trở nên bất cần, có thái độ chống đối bố mẹ.
Vì vậy, dù trong trường hợp nào, bố mẹ cũng nên bình tâm lắng nghe trẻ, hạn chế nói những câu như "Con đừng nói nữa, mẹ không muốn nghe".
"Sao con ngốc quá vậy?"
Thực tế, trẻ nhỏ nhạy cảm hơn người lớn nghĩ, mỗi lời nói của bố mẹ đều mang đến ảnh hưởng nhất định đối với trẻ. Nếu bố mẹ thường xuyên la mắng, so sánh, hay cho trẻ con mình quá ngốc, không công nhận sự nỗ lực và khả năng của con, lâu dần đứa trẻ cũng sẽ tự cho rằng bản thân mình không đủ năng lực và là một đứa trẻ kém cỏi.
Khi lớn lên việc thiếu tự tin và không đủ lòng tự trọng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của trẻ. Trẻ khó có được cuộc sống hạnh phúc, tâm trạng luôn thấp thỏm lo sợ về mọi thứ, không dám tự quyết định bất cứ điều gì.
Đồng thời, nếu mẹ phủ định con cái, một số trẻ có suy nghĩ cực đoan còn tỏ ra chán ghét cả thế giới, dẫn tới lối sống tách biệt.
"Người lớn đang nói chuyện, con nít thì biết gì"
Trong gia đình Việt Nam, đôi khi bị ảnh hưởng bởi những khuôn mẫu về quyền lực, bố mẹ thường mong muốn cái phải nghe lời, không được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng nếu bố mẹ đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ nên thay đổi tư duy này, bởi nếu bố mẹ không sẵn sàng lắng nghe con cái chia sẻ hoặc sẵn sàng gạt đi nếu đó là những điều họ cho rằng không phù hợp, khi trưởng thành, trẻ sẽ luôn ngại ngùng khi bày tỏ ý kiến.
Trẻ sẽ nghĩ rằng những câu chuyện của mình chỉ là chuyện tầm thường, không đáng được quan tâm. Điều này sẽ ngăn cản đứa trẻ bộc lộ khả năng trong học tập cũng như xây dựng sự nghiệp sau này.