Bàn chuyện cưới xin, cô gái choáng trước câu nói của mẹ bạn trai: Ngủ với nhau rồi, lãng phí tiền làm gì?
Cô gái này và bạn trai đã sống với nhau suốt 4 năm, mãi tới gần đây mới bàn chuyện cưới xin.
Hiện nay, không ít cặp đôi đã dọn về sống chung với nhau, góp gạo thổi cơm chung dù chưa chính thức thành vợ thành chồng. Đơn giản là vì họ muốn ở gần nhau, được nhìn thấy nhau mỗi ngày, hoặc là vì họ muốn sống thử trước xem có hợp hay không, còn hơn là lấy nhau rồi lại ly hôn. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Tiểu Lệ và bạn trai sau khi yêu nhau một thời gian đã dọn về chung sống cùng nhau tại một căn hộ ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Suốt 4 năm qua, bố mẹ bạn trai biết chuyện này nhưng họ luôn phớt lờ, không ý kiến gì cũng chẳng thúc giục chuyện cưới xin, cứ như thể họ không hề biết chuyện con trai mình đang sống cùng bạn gái.
Tiểu Lệ thì cho rằng, vì cả hai đã sống cùng nhau nên chẳng khác gì những cặp vợ chồng bình thường, việc lấy giấy đăng ký kết hôn chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy, cô không thúc giục bạn trai tổ chức đám cưới.
Tiểu Lệ cho biết cô đã sống cùng bạn trai 4 năm, mãi tới gần đây mới bàn chuyện cưới xi
Không ngờ gần đây mẹ chồng tương lai đột nhiên đến thăm, bạn trai cô cũng cảm thấy đã đến lúc nên nói với mẹ chuyện cưới xin nên mở lời trước.
Để hai mẹ con thoải mái hơn khi bàn bạc chuyện hôn sự, bởi tiền sính lễ khá nhạy cảm, nên Tiểu Lệ biết ý đi vào phòng ngủ tránh mặt. Thế nhưng ở trong phòng ngủ, cô nàng vẫn nghe rõ mồn một những gì mẹ bạn trai nói.
“Dù sao hai đứa cũng ngủ với nhau rồi, bày vẽ cưới xin làm gì? Không cưới hai đứa vẫn ngủ với nhau, cưới rồi vẫn thế, lãng phí tiền làm gì? Khi nào bụng nó to, sinh cho mẹ đứa cháu thì khi đó hẵng tính. Mà có tiền thì cưới, không có tiền thì không cần cưới. Cô ta không lo, con lo cái gì? Con dốt lắm”, bà mẹ mắng nhiếc con trai.
Tiểu Lệ vô cùng sửng sốt khi nghe mẹ chồng tương lai nói những lời này, cô không ngờ bà lại có suy nghĩ đó. Đáng nói, khi bà nói ra những lời này, bạn trai cô lại không hề phản bác lấy nửa lời, ngược lại còn tỏ vẻ đồng tình với ý kiến của mẹ.
Giờ đây cô gái rất bối rối, một bên là người bạn trai đã yêu 4 năm, một bên là mẹ chồng tương lai cay nghiệt, ác ý, cô không biết nên tiếp tục mối quan hệ này hay không.
Về chia sẻ của Tiểu Lệ, cư dân mạng đã bàn luận rất nhiều, một số cho rằng cô nên mừng vì đã nhìn rõ bộ mặt thật của bạn trai và mẹ anh ta trước khi kết hôn. Người thông minh chắc chắn sẽ dừng lại đúng lúc, nếu không sau này cũng chỉ có tủi nhục và uất ức. Cũng có cư dân mạng trách móc bà mẹ chồng tương lai kia khi có những suy nghĩ như vậy.
Sự việc này cũng cảnh báo các cô gái khi yêu phải biết bảo vệ bản thân, nếu không sẽ tự hạ thấp giá trị bản thân. Không hiếm người có cái nhìn khó chịu về việc “ăn cơm trước kẻng” hay có bầu trước cưới, họ sẽ đánh giá cô gái đó là quá dễ dãi, từ đó tỏ ra coi thường rồi chèn ép nhà gái về chuyện cưới xin. Đến lúc đó, người chịu thiệt chính là những cô gái.
Những ưu điểm và nhược điểm của sống thử trước hôn nhân
Nên hay không nên sống thử trước khi cưới là một vấn đề tuy chẳng còn mới mẻ gì, nhưng luôn là đề tài bàn tán sôi nổi. Không phải vì những định kiến như ngày xưa, mà là vì chúng ta cần cân nhắc những mặt lợi và hại một cách nghiêm túc khi hai người gắn bó lâu dài với nhau.
Những ưu điểm của việc sống thử trước hôn nhân:
- Mối quan hệ của hai bạn có thể được gắn kết và bền chặt hơn. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về phong cách sống, suy nghĩ của đối phương hơn, từ đó bạn có thể tìm được cách hài hòa cuộc sống của hai người lại với nhau, giúp “nâng tầm” cho tình yêu của cả hai.
- Xoa dịu được những căng thẳng trước khi kết hôn, giúp bạn bước đầu làm quen với cuộc sống hôn nhân, từ đó bạn có thể nhận ra những việc mình cần làm, cần chuẩn bị khi ở chung với một người khác. Quan trọng hơn là giúp bạn và người ấy nhận ra những điểm phù hợp và chưa phù hợp để có thể phát huy, sửa đổi, giúp giảm đi những vấn đề mà những cặp đôi mới cưới thường gặp phải.
- Tiết kiệm được chi phí, giúp quỹ tiết kiệm của cả hai dồi dào hơn.
Những nhược điểm của việc sống thử:
- Bạn có thể vấp phải sự phản đối của bạn bè, gia đình.
- Bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, nếu đã sống thử và chia tay. Việc này có thể khiến bạn khó mở lòng để đón nhận thêm tình yêu mới, thậm chí có người còn sợ hãi việc tiến đến hôn nhân với người mình yêu.
- Sống thử có thể sẽ phá hủy cuộc sống hôn nhân “trong mơ” của bạn, vì việc sống chung sẽ phô bày nhiều khuyết điểm của đối phương hơn là ưu điểm.
- Với phụ nữ, khi bàn tới chuyện cưới xin có thể gặp phải sự dò xét, ánh mắt coi khinh từ nhà trai.