3 khác biệt giữa em bé thường được ôm và ít được ôm, nghe xong mẹ nào cũng muốn ở nhà chăm con
Những đứa trẻ thường được bố mẹ ôm và trẻ ít được ôm, khi lớn lên sẽ khác biệt ở 3 khía cạnh.
Hầu hết chúng ta đều biết, hành động ôm là cách tốt nhất để thể hiện tình cảm, tăng thêm sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ôm và tiếp xúc da có thể giúp cải thiện tăng trưởng, tăng cường hệ miễn dịch và ổn định nhịp tim và áp lực máu. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được ôm thường xuyên có thể phát triển tốt hơn về mặt thể chất.
Ngược lại, những đứa trẻ ít được tiếp xúc thân mật với bố mẹ từ giai đoạn sơ sinh, cũng tác động nhiều đến quá trình phát triển sau này. Vì vậy, đứa trẻ thường được bố mẹ ôm và trẻ ít được ôm, khi lớn lên sẽ khác biệt ở 3 khía cạnh.
Khác biệt về tốc độ phát triển
Khi một đứa trẻ vừa chào đời, khoảng cách nhìn thấy của người mẹ khi bế con là 15 cm. Nếu trẻ được ôm trong vòng tay ấm áp, việc nhìn thấy khuôn mặt của người thân cũng sẽ kích thích thị giác, sự nhạy cảm xúc giác của trẻ.
Bộ não của trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Mối liên kết giữa các tế bào thần kinh não rộng lớn, góp phần phát triển khả năng nhận thức của trẻ.
Tuy nhiên, sự phát triển các tế bào thần kinh của trẻ ảnh hưởng từ cách được bố mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng. Nếu bố mẹ dành cho con sự nuôi dưỡng tốt sẽ khiến các tế bào thần kinh trải qua một vòng thay đổi mới.
Trẻ càng được ôm thường xuyên thì sự kích thích các tế bào thần kinh não sẽ càng diễn ra nhiều hơn, phát triển nhanh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngược lại, đứa trẻ đứa trẻ hiếm được ôm sẽ nhận được thông tin ít hơn từ thế giới bên ngoài.
Mức độ gắn bó giữa bố mẹ và con cái
Khi trẻ còn trong bụng, mọi nhu cầu đều do cơ thể mẹ cung cấp. Lúc này, trẻ cảm thấy mình và mẹ là một thể thống nhất. Cho đến khi được sinh ra, trẻ bị tách khỏi mẹ và đến một thế giới mới.
Thế giới này khiến trẻ cảm thấy xa lạ và bất an, vì vậy cần phải nhờ vào sự chăm sóc của mẹ để dần dần thích nghi tốt hơn. Vì vậy, mong muốn được ôm là sự gắn bó bẩm sinh.
Đối với trẻ từ 2 đến 3 tháng tuổi, việc mẹ ôm con thường xuyên, sau khi ăn hoặc tắm có thể tạo cảm giác gắn bó trọn vẹn khi trẻ nghe nhịp tim của mẹ. Điều này có lợi cho chế độ ăn uống và giấc ngủ, đồng thời giúp giảm tiếng khóc một cách hiệu quả. Khi trẻ cảm thấy không thoải mái hoặc ốm, một cái ôm ấm áp có thể an ủi và giảm sự khó chịu về thể chất.
Một số phụ huynh có quan niệm rằng, nếu ôm con mỗi khi khóc sẽ tạo thành thói quen ôm cả ngày, tuy nhiên, thực tế nếu người mẹ không thiết lập được sự gắn bó tốt với trẻ từ giai đoạn sơ sinh, nhu cầu tình cảm không được đáp ứng trong thời gian dài, có thể khiến trẻ dần xa cách bố mẹ.
Khác biệt về cảm giác an toàn
Đối với trẻ trong giai đoạn thơ ấu, việc bố mẹ cho con đủ sự an toàn sẽ có ý nghĩa hơn là để trẻ học cách tự lập. Những đứa trẻ có được sự an toàn đầy đủ ngay từ khi còn nhỏ, sẽ ổn định và mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc khi lớn lên.
Khi trẻ được bố mẹ ôm bế, oxytocin - một chất gọi là "hormone kết nối" sẽ được tiết ra, làm cho trẻ cảm thấy vui vẻ và an toàn. Do đó, việc ôm ấp đối với trẻ thường mang lại tâm trạng ổn định, hiệu ứng này có thể kéo dài đến khi lớn lên.
Những đứa trẻ thường xuyên được ôm sẽ dễ dàng bộc lộ cảm xúc hơn, vì có mối quan hệ đáng tin cậy với bố mẹ, và hiểu nhu cầu nào sẽ được đáp ứng kịp thời.
Ngược lại, trẻ ít được ôm có xu hướng trở nên lo lắng, cảm thấy mất mát, đôi khi không thể diễn đạt đúng nhu cầu của mình. Trẻ thường khóc và mong muốn được quan tâm nhiều hơn.
Cảm giác an toàn của trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống trong tương lai. Trẻ cảm thấy an toàn sẽ có xu hướng hướng ngoại, lạc quan hơn, cởi mở, năng động hơn trong giao tiếp.
Trẻ thiếu cảm giác an toàn thường trở nên rụt rè, nhút nhát khi gặp người khác, đồng thời khả năng chịu đựng căng thẳng cũng không cao.