Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 24/06/2024 07:30 (GMT+7)

Xin ý kiến về phương án cấm nồng độ cồn khi lái xe

Theo dõi GĐ&PL trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" tại khoản 2, Điều 9, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ).

Xin ý kiến về phương án cấm nồng độ cồn khi lái xe
Ảnh minh họa.

Trước đó, trong các phiên thảo luận tại hội trường cũng như tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Chính vì vậy, đối với vấn đề nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ưu điểm của phương án này là góp phần phòng ngừa vi phạm, làm giảm tai nạn giao thông đường bộ, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm ẩn do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông.

Thực tiễn, phương án này cũng đang phát huy kết quả tốt, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện.

Phương án này không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tốt hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ góp phần phòng ngừa các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích do bị kích thích bởi nồng độ cồn khi có va chạm giao thông.

Hạn chế của phương án này là làm giảm mức tiêu thụ đồ uống có cồn và tác động tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động và người chủ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, có 31/50 đoàn đại biểu Quốc hội và 9 đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 7 tán thành với phương án 1; Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) nhất trí phương án 1. 25 thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến, trong đó có 22/25 thành viên nhất trí phương án 1.

Trong khi đó, phương án 2: Quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tương tự quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Ưu điểm của phương án này là ít tác động tới mức tiêu thụ đồ uống có cồn, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn và tác động tới người lao động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, phương án 2 có hạn chế là gây nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến nguy cơ làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.

Ngoài ra, khi quy định trong Luật ngưỡng nhất định, người uống rượu, bia khó xác định ngưỡng để dừng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý; nguy cơ xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, có 19/50 đoàn đại biểu Quốc hội và 07 Đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7 đồng ý với phương án 2, 03 Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa ra 02 phương án xin ý kiến. Trong số 25 thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến, có 3/25 thành viên nhất trí phương án 2.

Liên quan đến quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội lựa chọn 01 trong 02 phương án trên và hoàn thành việc cho ý kiến trước 9h30 ngày 24.6.

Theo lịch dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 27/6 tới đây.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.