Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 18/05/2025 07:40 (GMT+7)

Đề xuất tăng mức phạt tối đa vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng

Theo dõi GĐ&PL trên

Thảo luận tại Tổ, Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa lên 150 - 200 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng như dự thảo luật đề xuất, nhằm đảm bảo răn đe, ngăn ngừa vi phạm giao thông.

Thảo luận tại Tổ, Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa lên 150 - 200 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng như dự thảo luật đề xuất, nhằm đảm bảo răn đe, ngăn ngừa vi phạm giao thông.

Tăng mức phạt ngăn tình trạng nhờn luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nêu thực trạng hiện nay vẫn xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm giao thông mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm dù biết quy định cấm, đơn cử như lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Đại biểu cho rằng mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa đủ răn đe, mức tối đa theo luật hiện hành còn thấp, dẫn đến tình trạng nhờn luật trong một bộ phận người tham gia giao thông.

Từ đó, Đại biểu đề nghị cần điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, thay vì 75 triệu đồng như dự thảo luật, cần tăng lên 150 - 200 triệu đồng, mới đảm bảo sức răn đe.

Song song với tăng mức phạt, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia giao thông để hạn chế, phòng ngừa vi phạm.

dai-bieu-quoc-hoi-thieu-tuong-nguyen-thi-xuan-pho-giam-doc-cong-an-tinh-dak-lak-1747585614.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Quochoi.vn.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) lại cho rằng, thời gian qua, khi nâng mức phạt vi phạm lĩnh vực giao thông, ý thức người dân đã dần nâng cao.

Do đó, tại thời điểm hiện nay, nâng mức phạt cao để tạo sự răn đe là hợp lý. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, khi ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người dân được nâng cao, cần điều chỉnh sao cho phù hợp với mức thu nhập, tài sản của người dân.

"Trên thị trường hiện nay có chiếc ô tô chỉ hơn 200 triệu đồng mà mức phạt lên đến 150 triệu đồng thì quá cao, trong khi có trường hợp cố tình vi phạm nhưng cũng có trường hợp do vô ý mà vi phạm", Đại biểu Trần Thị Vân nêu quan điểm.

Vi phạm mức nào thì không cần biên bản?

Đối với các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, cơ bản những chứng cứ đã rõ ràng, do đó, không nhất thiết phải lập biên bản VPHC, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc cải cách hành chính hiện nay.

Từ đó, Đại biểu kiến nghị chỉnh lý quy định theo hướng các trường hợp được phát hiện bằng phương tiện thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ mà hành vi vi phạm thuộc hình thức cảnh cáo hoặc mức phạt tiền đến 1 triệu đồng thì được xử phạt không lập biên bản.

Ở góc độ khác, dẫn quy định tại dự thảo luật đã tăng mức phạt tiền tối đa đối với xử phạt không lập biên bản lên 04 lần (từ 250 nghìn đồng lên 01 triệu đồng đối với cá nhân; từ 500 nghìn đồng lên 02 triệu đồng đối với tổ chức), Đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho rằng, việc lập biên bản có ý nghĩa quan trọng. Đó là căn cứ để xác nhận hành vi vi phạm, tình tiết của vụ việc.

Do đó, theo Đại biểu, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ nên áp dụng đối với những vi phạm giản đơn, lỗi vi phạm nhẹ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) cho rằng, biên bản xử phạt là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết về hành vi vi phạm, các tình tiết liên quan và là cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Biên bản còn là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng; giúp minh bạch hóa quá trình xử phạt. Do đó, cần hạn chế các trường hợp xử phạt không lập biên bản.

Theo Đại biểu, luật hiện hành đang tiếp cận ở hướng các hành vi vi phạm không bị lập biên bản có mức phạt rất thấp, ít nghiêm trọng; cá nhân, doanh nghiệp bị xử phạt ít có động lực khiếu nại hoặc có ý kiến về trình tự, thủ tục xử phạt.

Trong khi đó dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lại đề xuất không lập biên bản đối với hành vi có mức phạt tăng gấp nhiều lần. Điều này có thể dẫn tới các nguy cơ ảnh hưởng đến đối tượng vi phạm và tác động đến minh bạch của quy trình xử lý xử phạt", đại biểu góp ý và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hé lộ “ốc đảo thiên đường” được ví như “Santorini phiên bản Việt” tại Hải Phòng
Isla Bella - viên ngọc lam giữa lòng đô thị đảo nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực Vinhomes Royal Island Vũ Yên (Hải Phòng), đang khiến giới mộ điệu xôn xao. Không chỉ là chốn nghỉ dưỡng phong cách Địa Trung Hải ẩn mình trong sắc xanh thuần khiết, Isla Bella còn được kỳ vọng khai mở “kỷ nguyên nghỉ dưỡng” 365 ngày/năm tại miền Bắc.
Sun Group khởi công khu đô thị biển 37.000 tỷ đồng lớn bậc nhất Vũng Tàu
Chiều 16/5, Tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án Khu đô thị Đường 3 Tháng 2 tại phường 10 và 11, Thành phố Vũng Tàu. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu hành trình kiến tạo một quần thể đô thị sống – nghỉ dưỡng – giải trí đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng tầm diện mạo thành phố biển Vũng Tàu.
Mở màn mùa hè bằng kỷ lục du khách 30/4 và Lễ hội biển, Sầm Sơn "dẫn sóng" du lịch miền Bắc
Chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, thành phố Sầm Sơn đã đón gần một triệu lượt khách – chiếm hơn một nửa tổng lượng khách đến Thanh Hóa, doanh thu ước đạt gần 2 ngàn tỉ đồng. Những con số “biết nói” này một lần nữa khẳng định vị thế vững chắc của “thủ phủ du lịch biển miền Bắc”.
Đề xuất Quốc hội quy định chỉ thực hiện thanh tra doanh nghiệp mỗi năm 01 lần
Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp. Trong đó đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất quy định không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quá 01 lần trong năm.