Vì sao phải sửa đổi, bổ sung quy định về thị thực điện tử?
Bộ Công an cho rằng, cần thiết nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng, thời hạn và giá trị để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách này.
Chính sách cấp thị thực điện tử đã được thực hiện thí điểm từ năm 2017 và đã được luật hóa từ năm 2019, đến nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung quy định về thị thực điện tử.
Thông tin về lý do phải sửa đổi quy định này, Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công an nhận thấy chính sách cấp thị thực điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, quy định điều kiện cấp thị thực điện tử hiện hành ràng buộc việc mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử, do đó, tác động đến việc thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến Việt Nam.
Mặt khác, thời hạn thị thực điện tử tương đối ngắn (không quá 30 ngày) và chỉ có giá trị nhập cảnh một lần, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam du lịch dài ngày, khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng chưa có đối tác tại Việt Nam hoặc các trường hợp có nhu cầu đi lại thường xuyên.
Do đó, cần thiết nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng, thời hạn và giá trị để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách này.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Luật cũng bổ sung khoản 1 Điều 27 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, theo đó quy định hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận hộ chiếu và không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa nhận.