Vấn đề pháp lý việc giáo viên bạo lực học sinh
Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi dùng vũ lực của người dạy học đối với người học sẽ bị xử lý thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luậtnhận định, bạo lực học đường nói chung và bạo lực giữa giáo viên với học sinh nói riêng khá phổ biến và đáng lên án. Những vụ việc như vậy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân mà còn gây xôn xao dư luận, khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng, làm mất đi nét văn hóa truyền thống, đạo đức con người.
Dưới góc độ pháp lý, khoản 1 Điều 6 Thông tư số 06/2019/TT-BGTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên quy định, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Bên cạnh đó, không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Có thể thấy, việc giáo viên có hành vi đánh học sinh là hành vi phản giáo dục, trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Tùy theo tình chất và mức độ của hành vi vi phạm mà giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi viêc) hay xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, giáo viên vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định của pháp luật về dân sự.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 11 Điều 28 Nghị định số 05/VBHN-BGDĐT năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục về vi phạm quy định về kỷ luật người học, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học. Theo đó, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bên vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai người học, trừ trường hợp người học hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai. Đối với trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 tổ chức vi phạm.
Nếu hành vi cố ý gây thương tích có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và mức cao nhất là tù chung thân.