Hotline: 0942 368 555 Email: giadinhphapluatvn@gmail.com
Thứ tư, 19/04/2023 10:19 (GMT+7)

Trường học khởi động các phương án phòng dịch COVID-19

Theo dõi GĐ&PL trên

Trước tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng, các nhà trường đã khởi động lại hệ thống phòng chống dịch đồng thời tăng cường ôn tập cho học sinh, sẵn sàng phương án học và thi trực tuyến.

tm-img-alt
Học sinh sát khuẩn khi đến trường để phòng dịch COVID-19.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, năm học 2022-2023 sẽ kết thúc. Vì vậy, các nhà trường, học sinh, phụ huynh đang vừa nỗ lực ôn tập, vừa tăng cường phòng bệnh khi dịch COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, số ca mắc mới tăng nhanh mỗi ngày.

Tái khởi động hệ thống

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, Thủ đô đã ghi nhận hàng trăm ca mắc COVID-19 mới, trong đó có ngày lên đến gần 100 ca. Số F0 là học sinh cũng tăng nhanh.

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho hay mỗi lớp có khoảng 4 đến 5 em F0, cá biệt có lớp số F0 lên đến 2/3, chỉ còn 1/3 học sinh đi học.

“Trước tình hình đó, ban lãnh đạo trường đã họp ngay và kích hoạt lại các hoạt động phòng chống dịch,” cô Thúy cho hay.

Cụ thể, trường cập nhật số liệu giáo viên, học sinh nhiễm COVID hàng ngày, mở lại phòng cách ly, duy trì vệ sinh thường xuyên. Vào ngày nghỉ cuối tuần khi học sinh nghỉ học, trường tiến hành phun khử khuẩn. Cán bộ giáo viên được huy động đến trường để tổng vệ sinh, kể cả các phương tiện đi lại như ô tô cũng được khử khuẩn.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Tây Hà Nội, công tác phòng dịch cũng được nhà trường triển khai rốt ráo. Cô giáo Trần Thị Thuý Quỳnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 1C1) cho hay trường phối hợp với phụ huynh, nhắn thông tin trên nhóm lớp để nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị khẩu trang, bình nước cá nhân cho học sinh.

Trước khi vào lớp, các em thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang trong giờ học nhắc nhở đeo khẩu trang. Khi học sinh có biểu hiện vấn đề sức khỏe như ho, mệt, giáo viên sẽ đưa các em lên phòng y tế để kiểm tra sức khỏe và thông báo cho phụ huynh.

Với bậc học mầm non, công tác phòng dịch càng được các nhà trường chú trọng vì các em còn quá nhỏ. Ngay khi có thông tin về số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại, Trường mầm non Đại Mỗ A (Hà Nội) đã trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang cho tất cả các lớp. Cô Nguyễn Thị Thanh Mùi, Hiệu trưởng nhà trường cho hay trường cũng thực hiện phân luồng, đảm bảo không tụ tập đông người, phân lịch cho các khối có thời gian xuống sân nhất định để vận động nhưng đảm bảo phòng dịch.

“Chúng tôi có sổ theo dõi sức khỏe của các con hàng ngày, chuẩn bị sẵn dung dịch khử khuẩn để phun theo các đợt cao điểm cũng như dung dịch khử khuẩn tay, vệ sinh môi trường sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe của các con tốt hơn. Trường cũng đặc biệt chú trọng giáo dục trẻ kỹ năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân để phòng dịch, như việc biết rửa tay đúng cách dưới vòi nước chảy,” cô Mùi chia sẻ.

Sẵn sàng cho các tình huống

Bên cạnh công tác phòng dịch, các nhà trường cũng sẵn sàng cho các tình huống, đặc biệt là khi học sinh đang bước vào giai đoạn cuối năm học, chuẩn bị thi hết học kỳ hai.

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cho hay đây là giai đoạn nước rút vô cùng quan trọng với các em. Vì thế, nhà trường đang nỗ lực để ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em. Bên cạnh công tác chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, trường đã đưa ra phương án chuẩn bị cho việc linh hoạt trong dạy và kiểm tra đánh giá.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng để kích hoạt lại mọi phương pháp phòng chống dịch như thời kỳ dịch căng thẳng trước đây, gồm cả việc dạy học và thi trực tuyến, trong đó có thể kết hợp bài hợp bài học dự án, điểm dự án với thi trực tuyến nếu dịch bệnh bùng phát trở lại,” cô Thúy cho hay.

Trong khi đó, một số trường đã chủ động đẩy lịch thi lên sớm hơn so với dự kiến. Chị Bùi Khánh Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay mới đây, trường con chị đã thông báo thay đổi lịch thi hết học kỳ hai sớm hơn. “Trong bối cảnh dịch khó lường, chúng tôi cũng ủng hộ cách làm của nhà trường để đảm bảo các con kết thúc năm học an toàn,” chị Phương cho hay.

Theo lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, hiện các trường đã cơ bản hoàn thành chương trình năm học và đều trong giai đoạn tổ chức ôn tập cho học sinh. Dù trải qua ba năm học chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, các trường và học sinh đã quen với việc học và thi trực tuyến, nhưng có thể ôn tập và thi trực tiếp vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Cùng với sự rốt ráo của các nhà trường, phụ huynh cũng tăng cường phòng dịch cho con. Là bà mẹ của ba con nhỏ ở cả ba bậc học, từ mầm non đến trung học phổ thông, chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay ngay khi số ca nhiễm COVID-19 của Hà Nội tăng nhanh từ tuần trước, chị đã trang bị gel sát khuẩn cho con mang theo đến lớp, nhắc nhở con đeo khẩu trang khi ra ngoài.

“Hiện các con đang ôn thi học kỳ. Lịch thi dự kiến vào cuối tháng Tư nên tôi luôn nhắc nhở con phải giữ sức khỏe, phòng dịch thật tốt để có thể đi học, ôn và thi học kỳ trực tiếp,” chị Quỳnh chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cảnh báo học sinh không ăn ‘kẹo lạ’
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trải nghiệm một ngày làm sinh viên VinUni tại Ngày hội Trải nghiệm
Ngày hội trải nghiệm VinUni Open Day 2023 mới đây đã giúp hàng nghìn học sinh THPT được trải nghiệm thực tế không khí học tập tại ngôi trường đại học “xịn xò” chuẩn quốc tế 5 sao này thông qua các lớp học thử (demo class). Chương trình đào tạo của VinUni do hai đại học danh tiếng Cornell và Upenn đồng thiết kế và kiểm định.
Xóa bỏ cào bằng trong tính định mức biên chế giáo viên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo phổ thông, có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Cả nước còn trên 734.000 người mù chữ
Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.

Tin mới

Cáp treo hay cách để phát triển du lịch bền vững?
Bên cạnh những di sản thiên nhiên và văn hóa được UNESCO công nhận, hình ảnh du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế trong thời đại mới còn gắn liền với những công trình đáng kinh ngạc như cáp treo, được truyền thông thế giới khen ngợi là cách để phát triển du lịch bền vững.
Chi phí thành lập doanh nghiệp bao nhiêu tiền?
Hầu hết các cá nhân/tổ chức khi chuẩn bị thành lập doanh nghiệp đều có chung thắc mắc: Thành lập doanh nghiệp hết bao nhiêu tiền? Phí thành lập giữa các loại hình công ty có khác nhau không? Cần đóng những loại thuế nào khi bắt đầu hoạt động?