Tội 'Nhận hối lộ' bị xử lý như thế nào?
Những người có hành vi "Nhận hối lộ" sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Vậy, pháp luật quy định thế nào về tội "Nhận hối lộ", việc nhận hối lộ bao nhiêu thì sẽ bị truy tố?
Nhận hối lộ là gì?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi "Nhận hối lộ" là việc một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (lợi ích vật chất hoặc phi vật chất) cho chính bản thân người này hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc nào đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Lợi ích này có thể cho một người hoặc một tổ chức khác mà không nhất thiết phải là chính người có chức vụ, quyền hạn.
Trong đó, hành vi làm hoặc không làm một việc nào đó vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ có thể là hành vi trái pháp luật hoặc hành vi không trái pháp luật nhưng các hành vi đó đều được thực hiện trên cơ sở lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Trên thực tế, hành vi nhận hối lộ ít khi được thực hiện một cách công khai, thuần túy như nhận tiền hoặc tài sản trao tay hoặc nhận thù lao. Thay vào đó, các hành vi nhận hối lộ ngày càng được thực hiện một cách tinh vi, kín kẽ và khó phát hiện.
Hành vi "Nhận hối lộ" gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và niềm tin của người dân, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý Nhà nước.
Nhận hối lộ từ bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự?
Theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người nào có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn" trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ có thể bị xử lý hình sự về tội "Nhận hối lộ":
- Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội: Tội đưa hối lộ, Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Lợi ích phi vật chất.
Như vậy, trường hợp nhận hối lộ từ trên 02 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về chức vụ, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Nhận hối lộ".
Mức phạt
Tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các mức phạt áp dụng với tội "Nhận hối lộ" như sau:
Hình phạt chính:
- Khung 01:
Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu nhận hối lộ từ 02 - dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng:
+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc
+ Đã bị kết án về một trong các tội: Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tội đưa hối lộ;…
- Khung 02:
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 - dưới 500 triệu đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản 01 - 03 tỉ đồng;
+ Phạm tội từ 02 lần trở lên;
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
- Khung 03:
Phạt tù từ 15 - 20 năm, phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỉ đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 03 - dưới 05 tỉ đồng.
- Khung 04:
Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỉ đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 05 tỉ đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm, bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng. Đồng thời, có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.