Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 06/07/2024 07:08 (GMT+7)

Thuốc lá nung nóng độc hại không kém thuốc lá thông thường

Theo dõi GĐ&PL trên

Trong số nhiều chất độc mới được tìm thấy trong thuốc lá nung nóng, có 4 chất có thể gây ung thư và 15 chất có thể gây tổn thương gen ở người.

tm-img-alt
Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này do Bộ Y tế tổ chức.

Tác hại là như nhau

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này, do Bộ Y tế tổ chức ngày 5/7; BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Hiện có một số hiểu lầm về vấn đề giảm hại của thuốc lá nung nóng so với thuốc lá thông thường; những bằng chứng này đến nay chủ yếu là do ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra. Mặc dù hàm lượng một số chất độc trong khói tỏa của thuốc lá nung nóng được cho là thấp hơn so với khói thuốc thông thường, nhưng hàm lượng của nhiều chất độc khác lại không được báo cáo và có thể còn cao hơn. Có một số chất độc mới trong khói của thuốc lá nung nóng mà không có trong thuốc lá thông thường. Cụ thể, trong khói tỏa của một số sản phẩm thuốc lá nung nóng phổ biến được tìm thấy nhiều chất độc mới; 4 trong số những chất này có thể gây ung thư và 15 chất có thể gây tổn thương gen ở người”.

Cũng theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, các bằng chứng hiện tại không đủ để hỗ trợ cho các tuyên bố rằng thuốc lá nung nóng giảm nguy cơ, tác hại với sức khỏe hơn. Các trường hợp nghiên cứu cũng cho thấy không có sự cải thiện trong một số chỉ số phổi và tim mạch. Do vậy, việc sử dụng thuốc lá nung nóng không thể làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính so với thuốc lá thông thường.

Đáng lo ngại, các quảng cáo thuốc lá nung nóng hiện đang nhắm tới giới trẻ. Các công ty thuốc lá sử dụng phương pháp tiếp thị tách rời, sử dụng cả thiết bị và điếu thuốc rời để thu hút khách hàng tiềm năng. Đơn cử như việc phát triển thiết kế và chức năng của các thiết bị để thu hút cảm giác mới lạ và khơi dậy niềm đam mê công nghệ tiên tiến của giới trẻ. Thông qua những trải nghiệm giác quan mới, bằng cách cung cấp thêm hương vị của điếu thuốc lá… Chiến lược tiếp thị tách rời còn mục đích vượt qua các giới hạn quy định hiện hành về quảng cáo với thuốc lá nung nóng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc quảng cáo thuốc lá điện tử còn nhắm tới giới trẻ bằng nhiều biện pháp khác đánh vào lợi ích khác. Một số công ty thuốc lá điện tử đang cung cấp học bổng cho sinh viên liên quan đến việc yêu cầu sinh viên nhận học bổng viết bài luận về các chủ đề như: Việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể mang lại lợi ích tiềm năng hay không; các công ty thuốc lá điện tử cũng chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, hướng đến giới trẻ; các công ty thường xuyên tài trợ cho các lễ hội và sự kiện âm nhạc; sử dụng các loại hương vị để thu hút giới trẻ, có tới gần 20.000 loại hương liệu đã được tìm thấy khiến điều này trở thành một thách thức rất lớn trong kiểm soát các chất gây hại…

Trong khi đó, hiện chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử như: Việc lách luật bằng cách quảng cáo thiết bị hút thuốc lá nung nóng thay vì quảng cáo phần điếu thuốc (bị cấm); các công ty có hình thức khuyến mại khi mua thiết bị hoặc tặng tiền cho người giới thiệu mua thiết bị… Đặc biệt, ngành công nghiệp thuốc lá còn “chiêu bài” công bố thuốc lá điện tử không nicotine để “che mắt” người dùng và cơ quan quản lý…

Cấm để bảo vệ sức khỏe người dân

Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến nghị với Việt Nam: Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả trước mắt và lâu dài. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và “nhấn chìm” những kết quả của công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.

WHO cũng khuyến nghị tại Việt Nam, Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời cần quy định rất rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết tới sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, lần đầu tiên Quốc hội đã có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới vào tháng 5/2024 vừa qua. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Như vậy, có thể thấy Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, chăm lo, chú trọng đến sức khoẻ của người dân. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này vẫn đang được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đã tiếp cận đến giới trẻ và nguy cơ gây hại cho sức khỏe; dẫn đến tình trạng gia tăng các trường hợp nhập viện do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới”.

“Cuộc chiến với thuốc lá mới là cuộc chiến cam go, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được ma túy ở trẻ em nếu chúng ta mở đường cho thuốc lá điện tử. Ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm tới giới trẻ là chiến lược lâu dài của họ. Nếu chúng ta chậm trễ trong việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới; chờ đến khi ra Luật thì đã có cả một thế hệ nhiều người trẻ sử dụng các sản phẩm này. Chúng tôi đã nhất quán việc bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết; bảo vệ thế hệ trẻ, thế hệ tương lai; ngăn ngừa thế hệ trẻ sử dụng thuốc lá. Cách quan trọng nhất hiện nay là đề xuất Quốc hội, ngay lập tức ra Nghị quyết cấm thuốc lá mới ở Việt Nam”, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định.

Cùng chuyên mục

95,7% người bệnh hài lòng với khối bệnh viện tại Hà Nội
Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý III năm 2024. Trong đó, tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện là 95,7% và 96,6% khối trung tâm y tế (bao gồm 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115).
Tỷ lệ tiêm chủng thực tế trong cộng đồng tại TP HCM chưa đạt 95%
Sau một tháng triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi, đến ngày 30/9, trên thống kê lý thuyết, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt 95,09% (bao gồm cả trẻ đã tiêm đủ 2 mũi sởi trước chiến dịch).
Cung ứng đủ, kiểm soát chặt giá thuốc điều trị người bệnh sau mưa bão
Để bảo đảm cung ứng thuốc và kiểm soát giá các thuốc cứu chữa người bị thương, bị bệnh sau mưa bão, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc; Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam; Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc cứu chữa người bị thương, bị bệnh sau mưa bão.
Lần đầu chữa khỏi bệnh tiểu đường tuýp 1 bằng tế bào gốc
Một nghiên cứu mới đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 bằng cách sử dụng tế bào gốc. Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã thành công trong việc đảo ngược tình trạng bệnh ở một phụ nữ 25 tuổi thông qua cấy ghép tế bào gốc được “tái lập trình” từ chính cơ thể của bệnh nhân.

Tin mới