Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 03/11/2022 14:42 (GMT+7)

Thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng tốt cho Trái đất

Theo dõi GĐ&PL trên

Việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn uống lành mạnh sẽ làm giảm đáng kể tác động của ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm đối với hệ sinh thái, bởi thực phẩm có lợi cho sức khỏe cũng có lợi cho môi trường.

Trong một phân tích công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nhà sinh thái học David Tilman và các cộng sự đã xem xét tác động sức khỏe và môi trường của 15 nhóm thực phẩm khác nhau, bao gồm các loại hạt, trái cây, rau củ, thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, trứng, cá, dầu ô liu, các loại đậu và đồ uống có đường. Các thực phẩm được so sánh với nhau dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đối với nguy cơ mắc bệnh và sự hao tốn tài nguyên trên Trái đất như sử dụng nước và đất, mức độ thải khí nhà kính và cách chúng ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm nước và đất.

Để đưa ra kết luận về mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe, các nhà nghiên cứu đã xem xét 19 nghiên cứu trước đó đối với hàng triệu người trong thời gian dài. Họ sử dụng dữ liệu đó để tính toán việc ăn thêm một phần thực phẩm nhất định mỗi ngày ảnh hưởng ra sao đến nguy cơ ung thư đại trực tràng, bệnh tim mạch vành, đột quỵ, tiểu đường típ 2 và nguy cơ tử vong nói chung. Tương tự, dữ liệu về tác động môi trường của thực phẩm cũng được lọc ra từ các phân tích về vòng đời thực phẩm, bao gồm nhu cầu sử dụng máy móc, đất đai và các tài nguyên khác trong quá trình nuôi, trồng thực phẩm.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe cũng có xu hướng tốt cho hành tinh và ngược lại. Cụ thể, hầu hết các loại thực phẩm có tác dụng nâng cao sức khỏe (như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, đậu, hạt và dầu ô liu) có tác động môi trường thấp nhất. Trong khi đó, các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất - chủ yếu là thịt đỏ (heo, bò, cừu, dê) chế biến và chưa qua chế biến - lại tác động tiêu cực đến môi trường nhiều nhất.

Mặc dù sản xuất các loại hạt tiêu tốn nhiều nước, song trưởng nhóm nghiên cứu Tilman cho rằng nước chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng của thực phẩm này. “Nếu nước được dùng để tưới cây, thì tốt hơn nên dùng cho các loại cây trồng tốt cho sức khỏe”, ông nói thêm. Nghiên cứu cho thấy sản xuất một phần hạt tác động tiêu cực đến môi trường nhiều gấp 5 lần so với sản xuất một phần rau. Nhưng so với thịt đỏ con số đó vẫn rất nhỏ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc tạo ra một phần thịt chế biến tác động xấu đến môi trường gấp 40 lần so với sản xuất một phần rau và ăn thêm một phần thịt đỏ mỗi ngày làm tăng 40% nguy cơ tử vong nói chung.

Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là cá và thức uống có đường. Theo đó, cá tuy làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhưng việc tiêu thụ chúng lại không tốt cho hành tinh bằng chế độ ăn dựa trên thực vật. Lý do là hoạt động đánh bắt cá sử dụng nhiều nhiên liệu diesel và lượng khí thải nhà kính tạo ra cho mỗi khẩu phần cá nhiều gấp 6 lần so với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Trong khi đó, đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2, bệnh tim mạch vành và đột quỵ, nhưng nghiên cứu cho thấy tác động môi trường của chúng không nhiều hơn trồng rau là mấy.

“Đây là một nghiên cứu hữu ích vì nó sử dụng các phương pháp tương đồng và nhất quán nhằm so sánh mức độ ảnh hưởng của các loại thực phẩm khác nhau đến sức khỏe của con người và hành tinh” - Dariush Mozaffarian, Hiệu trưởng Trường Khoa học và Chính sách dinh dưỡng Friedman thuộc Đại học Tufts, nhận xét. Những phát hiện trên càng củng cố bằng chứng cho thấy cắt giảm thịt đỏ là một lựa chọn lành mạnh, cả cho sức khỏe con người và cho hệ sinh thái.

tm-img-alt

Mới đây, Guardian cũng giới thiệu 18 loại thực phẩm vừa giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, vừa có ích cho môi trường do dễ trồng, không cần nhiều hóa chất để trồng hoặc tiết kiệm nước thải.

Cải kale rất tốt cho đường ruột và hành tinh nói chung. Ngoài ra, đây còn lạ loại rau dễ trồng, nhanh phát triển.

Đậu lăng đỏ dễ nấu, giàu protein, chất xơ và sắt, rất tốt cho hệ vi sinh vật trong cơ thể con người và có giá cả rất phải chăng. Loại hạt này có thể cho vào soup và nước sốt để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra đậu lăng đỏ còn có thể dễ dàng trồng quanh năm và giúp vận chuyển nitơ vào đất.

Đậu gà chứa nhiều protein và chất xơ prebiotic. Đậu gà đóng hộp là nguyên liệu tuyệt vời cho món cà ri, hummus hoặc nướng trong lò như một món ăn nhẹ giàu chất xơ. Ngoài ra, đậu gà cũng có thể bổ sung dinh dưỡng khi được sử dụng làm đậu phụ. Loại đại này tốt cho đường ruột và hành tinh vì có khả năng thích nghi tốt với khí hậu.

Đậu nành dễ trồng và có hàm lượng protein cao đáng kinh ngạc. Người ta có thể sử dụng đậu nành như một món ăn nhẹ hoặc thêm chúng vào bữa ăn thường ngày để bổ sung dinh dưỡng.

Các loại hạt là nguồn cung cấp chất xơ, protein và polyphenol tuyệt vời. Chúng giúp con người cải thiện sức khỏe khi tiêu thụ thường xuyên và kiểm soát đường huyết. Việc trồng trọt các loại hạt cũng yêu cầu ít phương pháp thâm canh hơn.

Nấm có thể làm giảm các bệnh mạn tính, cải thiện chỉ số vitamin D trong cơ thể và là nguồn protein thực vật tuyệt vời. Không có lá, loại cây này có lượng khí thải carbon trung tính, thậm chí âm.

Quả mọng như việt quất, mâm xôi và mâm xôi đen là những nguồn bổ sung chất xơ và polyphenol dồi dào. Ngoài ra, những quả này có thể đông lạnh và bảo quản được lâu dài.

Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm tuyệt vời cho tuổi thọ và sức khỏe: giàu dinh dưỡng, thơm ngon và giàu tinh bột chậm, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, ngũ cốc nguyên hạt nói trên không bao gồm quinoa. Quinoa không chỉ khiến lượng đường tăng đột biến mà còn gây ảnh hưởng đến nông dân Peru.

Một loại thức ăn khác có mặt trong danh sách này là động vật có vỏ. Đây là nguồn cung cấp phong phú kali, sắt và vitamin B12.

Trứng tươi là một nguồn cung cấp protein, axit béo, omega, vitamin và axit amin thiết yếu. Guardian khuyến khích độc giả nên ăn trứng 2-6 bữa/tuần.

Thịt gà cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và thân thiện với môi trường khi không xả nước thải ra môi trường trong quá trình chế biến.

Dưa cải muối và kim chi là loại thực phẩm lên men có lợi chứa nhiều probiotic tự nhiên, chất xơ và giá thành rẻ.

Bông cải xanh chứa hàng trăm chất đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe. Loại rau này tốt hơn khi hấp với dầu ô liu nguyên chất và ăn với thực phẩm giàu vitamin C như cà chua để hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng. Bông cài còn là loại cây cứng cáp, phát triển tốt ở mọi vùng khí hậu.

Rau thơm và gia vị chứa nhiều polyphenol, một chất chống lão hóa và có tác dụng hỗ trợ vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, các loại rau thơm có thể tự trồng tại nhà, không gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường như các loại cây trồng theo số lượng lớn ở các nông trại.

Cùng chuyên mục

Top 10 thực phẩm giàu canxi
Canxi là yếu tố then chốt giúp xương phát triển mạnh mẽ và duy trì sức khỏe của trẻ nhỏ, với một chế độ ăn cân đối, bạn có thể đảm bảo cung cấp đủ canxi cho trẻ, từ đó giúp bé có xương khỏe mạnh.
Có nên cho người bệnh nhịn ăn trước và sau khi phẫu thuật?
Trái với quan điểm truyền thống, ngày càng có nhiều bằng chứng y khoa cho thấy, việc cho bệnh nhân ăn trước và sớm sau phẫu thuật mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe như tăng nhu động ruột, tăng khả năng lành vết thương, tăng kháng thể sinh ra từ ruột…

Tin mới

Trẻ cao thế nào ở tuổi dậy thì?
Có thể nói, dậy thì là giai đoạn cuối để con cao. Nếu ba mẹ không tranh thủ giúp con cao trong giai đoạn này, thì sau dậy thì, có tốn bao nhiêu chi phí con cũng không thể cao thêm được.
Quy định về xác minh giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024
Việc xác minh giấy phép lái xe phải thực hiện ngay qua điện thoại hoặc thư điện tử hoặc fax và sau đó gửi bằng văn bản. Khi chưa có kết quả xác minh giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Sở Giao thông vận tải không đổi, không cấp lại hoặc không đưa vào danh sách thí sinh được phép dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
Đề xuất quy định mới về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.