Thái Bình: Đất sau đấu giá tăng như “lan đột biến”?
Những ngày qua giới đầu tư và môi giới BĐS tại Thái Bình đang sốc, choáng trước kết quả trúng đấu giá 85 lô đất với giá “bèo” và chỉ thu về khoản chênh lệch cho ngân sách nhà nước 1,2 tỷ đồng, trong khi người trúng đấu giá thu lợi số tiền khủng.
Giá đất tăng như “lan đột biến”…
Theo đó, ngày 5/11/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (DVĐGTS) tỉnh Thái Bình ban hành Thông báo số 89/TB-TĐG về việc công bố danh sách người trúng đấu giá quyền sử dụng cả khu quy hoạch khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Tổng diện tích đất cả khu đấu giá trên là 9.345,9m2, được phân thành 85 lô đất. Giá khởi điểm cả khu đất này là 78.456.920.000 đồng và ông Nguyễn Tiến Thành trú tại xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ là người trúng đấu giá với tổng số tiền là: 79.656.920.000 đồng. Số tiền chênh lệch thu về cho ngân sách nhà nước là: 1.200.000.000 đồng.
Kết quả trúng đấu giá này được giới BĐS Thái Bình đánh giá là phiên đấu giá “lịch sử” có một không hai khi mang lại số tiền chênh lệch quá thấp so với những phiên đấu giá đất trước đó tại huyện Quỳnh Phụ nói riêng và trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói chung.
Đáng nói, mặc dù mới chỉ có thông báo kết quả trúng đầu giá và khu đất này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng ngay tại dự án này đã mọc lên điểm bán hàng để tư vấn, nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng các lô đất của khách hàng.
Trong vai người có nhu cầu mua đất dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tiếp cận và được đội ngũ nhân viên ở đây dùng bản đồ phân lô các thửa đất dự án tư vấn rất nhiệt tình, sẵn sàng nhận tiền đặt cọc mua bán.
Chỉ vào các lô đất nằm phía ngoài các mặt đường chính bao quanh dự án, người đàn ông tên Hợp giới thiệu là nhân viên của Công ty Thành Đạt (có trụ sở tại huyện Quỳnh Phụ) cho biết toàn bộ các lô đất nằm ở khu vực này đã được bán hết, hiện chỉ còn 10 lô nằm phía trong.
Cũng theo anh Hợp, tuỳ vào vị trí từng lô đất ở khu vực mặt ngoài có giá dao động từ 20-25 triệu/m2. Tương tự, đối với các lô đất nằm ở mặt phía trong có giá từ 15-17 triệu đồng/m2.
Hiện tại, về thủ tục pháp lý khi khách hàng mua bán đất dự án, anh Hợp nói: Nếu anh (phóng viên) đồng ý mua thì bên em nhận cọc và viết giấy biên nhận bằng tay chứ không có hoá đơn chứng từ của công ty ?!
Lý giải về việc này, nhân viên Hợp cho biết: Đây là hình thức bán kín và mục đích là để giữ chỗ cho khách hàng. Hiện tại phía công ty đã nộp xong tiền và các khoản lệ phí cho nhà nước, chỉ chờ 1 tháng nữa lấy sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV). Khi nào có “sổ” sẽ làm thủ tục chuyển nhượng chính thức và thanh toán nốt số tiền còn lại.
Rõ ràng, việc nhận tiền đặt cọc mua bán đất tại dự án trên là trái quy định pháp luật và tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho khách hàng, nhưng lại diễn ra công khai giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không hề bị cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, xử lý.
Tiếp đến, khi đối chiếu với bảng giá khởi điểm đấu giá từng lô đất thì các lô đất nằm phía ngoài các mặt đường chính có giá 10.200.000 đồng/m2, với các lô đất ở phía trong có giá 6.500.000 đồng/m2. Nếu cộng thêm 1,2 tỷ đồng tiền chênh lệch sau khi đấu giá và chia đều theo m2 cho từng lô đất thì đơn giá này vẫn quá “bèo” so với giá đã và đang giao dịch khi "rơi" vào tay người trúng đấu giá khu đất này.
Chia sẻ với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, anh T.V.T, là quản lý một sàn giao dịch BĐS tại TP Thái Bình phân tích về số tiền “khủng” mà người trúng đấu giá nhận được sau khi bán các lô đất của dự án: Chỉ vài ngày sau khi trúng đấu giá thì mỗi m2 đất tại dự án đã tăng “đột biến” từ hơn 10.200.000 đồng lên đến 25.000.000 đồng/m2 (tăng gần gấp 2,5 lần/m2). Khi đó người trúng đấu giá chỉ cần bán được 5 lô đất ở khu vực này thì đã bù được số tiền chênh lệch (1,2 tỷ đồng) so với giá khởi điểm đấu giá. Với 80 lô đất còn lại sau khi bán hết sẽ mang về số tiền cực “khủng” cho người trúng đấu giá, và ngược lại ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu một khoản tiền rất lớn.
Dấu hiệu “bắt tay” thông thầu?
Chứng kiến sự bất thường trong buổi tổ chức và kết quả trúng đấu giá khu quy hoạch khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái, dư luận đặt nghi vấn có hay không việc tồn tại nhóm lợi ích để dàn xếp kết quả phiên đấu giá trên?
Để tìm câu trả lời, ngày 9/10, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ. Ông Nhường cho biết đơn vị thuê Trung tâm DVĐGTS tỉnh Thái Bình để tổ chức thực hiện bán đấu giá khu đất dự án.
Cũng theo ông Nhường, tổng số hồ sơ được bán ra là 21 bộ, trong đó có 10 người nộp tiền đặt cọc. Tuy nhiên đến ngày tổ chức phiên đấu giá thì có 8 người viết đơn xin rút tiền đặt cọc và không tham gia phiên đấu giá, cuối cùng chỉ còn 2 người tham gia. Đơn vị áp dụng hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp (người tham gia sẽ tự điền giá đấu vào tờ giấy rồi bỏ vào thùng phiếu – PV), người trúng đấu giá là ông Nguyễn Tiến Thành trú tại xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ.
Giải thích về nguyên nhân 8 người làm đơn xin rút không tham gia đấu giá và chỉ còn 2 người tham gia thì có đảm bảo tính cạnh tranh? Ông Nhường nói: Việc các cá nhân tự rút là do nhu cầu của họ, và việc còn 2 người tham gia đấu giá vẫn phù hợp với quy định pháp luật.
Việc áp dụng phương pháp đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trong khi chỉ có 2 người tham gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc “bắt tay” thông thầu (nếu có) và tính cạnh tranh không cao bằng các phương pháp đấu giá theo bước giá hoặc đấu giá trực tiếp. Vậy tại sao đơn vị không áp dụng phương pháp đấu giá theo bước giá? – PV đặt câu hỏi. Ông Nhường thừa nhận nếu áp dụng đấu giá theo bước giá sẽ tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hơn (giá trị trúng đấu giá cao hơn – PV), nhưng lại góp phần làm cho thị trường BĐS bị ảo ?!
Quả thực chúng tôi không hiểu căn cứ vào đâu để Giám đốc Nguyễn Ngọc Nhường khẳng định thị trường BĐS sẽ bị ảo khi chủ sở hữu tài sản áp dụng phương pháp đấu giá theo bước giá? Nhưng có một thực tế là hiện nay giá đất ngoài thị trường tại dự án trên đang rất “ảo” so với giá trị trúng đấu giá mà đơn vị của ông Nhường là đại diện chủ sở hữu tài sản. Và bất cứ ai chứng kiến sự việc cũng đều biết rõ ai đang hưởng lợi sau phiên đấu giá trên, tất nhiên không phải ngân sách nhà nước.
Tiếp đến, giải đáp thắc mắc của dư luận về việc giá đất tăng gấp nhiều lần so với giá trúng đấu giá của các lô đất dự án. Ông Nhường phân tích: Về thị trường bất động sản thì buôn bán như kiểu đánh bạc và người ta mua 1 bán 10 là chuyện bình thường, nên tôi không quan tâm đến vấn đề đó. Tôi chỉ biết quy trình xây dựng đơn giá, lập hồ sơ được làm rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Để tránh sự hoài nghi trong dư luận xã hội đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ quá trình tổ chức phiên đấu giá trên. Đặc biệt, Công an tỉnh Thái Bình cần vào cuộc điều tra làm rõ những dấu hiệu bất thường tại phiên đấu giá và việc mua bán trái phép các lô đất tại dự án.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.