Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 19/09/2021 20:27 (GMT+7)

Phát hiện 'tổ tiên gần nhất của SARS-CoV-2' ở hàng trăm con dơi, nguyên nhân gây ra Covid-19 sắp sáng tỏ?

Theo dõi GĐ&PL trên

Những con dơi trú ngụ trong hang động đá vôi ở phía bắc Lào mang theo coronavirus có chung đặc điểm chính với SARS-CoV-2. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra Covid-19.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur của Pháp và Đại học Lào đã tìm loại virus tương tự như virus gây ra Covid-19 trong hàng trăm con dơi móng ngựa. Họ tìm thấy 3 virus có vùng liên kết thụ thể giống cấu tạo protein gai của nCoV, đặc điểm giúp virus này tấn công tế bào cơ thể người.

Báo cáo về phát hiện này phát hành hôm 17/9 và được Bloomberg trích dẫn cho thấy các virus có liên quan chặt chẽ đến SARS-CoV-2 tồn tại trong tự nhiên, bao gồm cả ở một số loài Rhinolophus, hay còn gọi dơi móng ngựa.

Nghiên cứu ủng hộ giả thuyết đại dịch bắt đầu từ sự lây lan của một loại virus do dơi gây ra. Khoảng 1.000 ca nhiễm như vậy có thể xảy ra hàng ngày ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á - những khu vực có mật độ dơi dày đặc thuộc giống Rhinolophus.

Marc Eloit, người đứng đầu bộ phận phát hiện mầm bệnh tại Viện Pasteur, cho biết 3 loại virus được tìm thấy ở Lào, được gọi là BANAL-52, BANAL-103 và BANAL-236, là "tổ tiên gần nhất của SARS-CoV-2".

"Những virus này có thể đã góp phần tạo nên nguồn gốc của SARS-CoV-2 và về bản chất có thể gây ra nguy cơ lây truyền trực tiếp sang người trong tương lai", nhóm nghiên cứu cho hay.

Các vùng liên kết thụ thể của 3 coronavirus ở Lào gần với vùng của SARS-CoV-2 hơn là với virus RaTG13 được xác định trong loài dơi Rhinopholus từ mỏ đồng Mặc Giang (tỉnh Vân Nam), vẫn được coi là chủng gần nhất của đại dịch.

Virus BANAL-236 có vùng liên kết thụ thể gần như giống hệt với virus gây đại dịch.

Phát hiện 'tổ tiên gần nhất của SARS-CoV-2' ở hàng trăm con dơi, nguyên nhân Covid-19 sắp sáng tỏ? Ảnh 1
Các nhà nghiên cứu đang gỡ móng vuốt và cánh của dơi. Ảnh: Reuters.

Edward Holmes, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Sydney, cho biết: “Vùng liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 trông không bình thường khi nó được phát hiện lần đầu vì có quá ít virus để đem ra so sánh với nó. Bây giờ chúng tôi đang lấy mẫu nhiều hơn từ tự nhiên, chúng tôi đang bắt đầu tìm thấy các bit có liên quan chặt chẽ này của chuỗi gen", nhà sinh học Holmes cho biết qua email. "Cuối cùng, qua nhiều lần lấy mẫu hơn, tổ tiên tự nhiên của toàn bộ bộ gen SARS-CoV-2 sẽ được tiết lộ".

Không có loại virus ở dơi nào được phân lập tại Lào chứa cái gọi là vị trí phân cắt polybasic (furin) trong nhánh tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của tế bào. Đây là đặc điểm của virus SARS-CoV-2 đã khiến một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng nó được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Hiện không có bằng chứng ủng hộ lý thuyết virus bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Sự thiếu phân cắt furin có thể được giải thích là do lấy mẫu không đủ ở dơi, hoặc do thu được vị trí phân cắt furin trong các chuỗi lây truyền ở vật chủ thay thế, hoặc trong quá trình lưu hành không được báo cáo ở người ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát khi virus có thể có gây ra một số triệu chứng.

“Kết quả của chúng tôi xác định chính xác sự hiện diện của sarbecovirus dơi có khả năng lây nhiễm sang người tương tự như các chủng SARS-CoV-2 ban đầu", nghiên cứu cho hay. Những người ở trong hoặc gần các hang động, chẳng hạn như những người thu gom phân chim, đặc biệt có nguy cơ bị phơi nhiễm.

Cần điều tra thêm để đánh giá xem những người tiếp xúc với dơi có bị nhiễm một trong những loại virus này hay không và liệu họ có kháng thể có thể cung cấp khả năng bảo vệ chống lại việc lây nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Phát hiện 'tổ tiên gần nhất của SARS-CoV-2' ở hàng trăm con dơi, nguyên nhân Covid-19 sắp sáng tỏ? Ảnh 2
Các nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur của Pháp và Đại học Lào đã tìm kiếm loại virus tương tự như virus gây ra Covid-19 trong hàng trăm con dơi móng ngựa. Ảnh minh họa: AP.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận xét về phát hiện trên: “Bài báo này thực sự thú vị và chúng tôi cần nhiều nghiên cứu hơn về nó".

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 645 con dơi từ 46 loài được bắt tại 4 địa điểm - ở các huyện Fueng, Meth của tỉnh Viêng Chăn, và ở các huyện Namor, Xay thuộc tỉnh Oudomxay - trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2021. Dơi sống ở địa hình núi đá vôi phổ biến tại Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

Bài báo nhấn mạnh sự đa dạng của các loại virus giống SARS-CoV-2 hiện diện trên loài dơi ở Đông Nam Á, theo tiến sĩ Holmes.

"Lấy mẫu liên tục là cách duy nhất để hiểu được nguồn gốc của loại virus này và điều quan trọng là phải tiến hành nhiều cuộc lấy mẫu hơn trên khắp Trung Quốc vì đây vẫn là nơi có nhiều khả năng xuất xứ nhất”, ông Holmes cho hay. "Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng các coronavirus từ dơi có khả năng lây nhiễm sang người luôn tồn tại trong tự nhiên và có thể xuất hiện ở bất kỳ điểm nào. Đây là nguy cơ rõ ràng cho tương lai".

Cùng chuyên mục

Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.