Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 01/09/2022 09:17 (GMT+7)

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2022

Theo dõi GĐ&PL trên

Ghi âm, ghi hình trái phép tại phiên tòa bị phạt đến 15 triệu đồng; Cấm dùng xe Limousine được cải tạo từ xe 16 chỗ để chở khách… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2022.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ghi âm, ghi hình trái phép tại phiên tòa bị phạt đến 15 triệu đồng

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với 04 Chương và 08 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Để đảm bảo quyền riêng tư của con người, Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 này quy định, phạt tiền từ 07 đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính...

Cũng theo Pháp lệnh mới này, nếu lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang theo thì người thực hiện hành vi sẽ bị phạt từ 01 - 07 triệu đồng.

Ký gửi hàng trên xe khách phải cung cấp ít nhất 05 thông tin

Đây cũng là một nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP.

Theo đó, để bảo bảo công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa ký gửi trên xe khách, khoản 1, Điều 1, Nghị định 47/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hoá cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hoá, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Như vậy, từ ngày 01/9/2022, khi gửi hàng trên xe khách, người gửi bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin sau cho nhà xe, lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có): Tên hàng hoá; Họ và tên; Địa chỉ; Số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân; Số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận; Cân nặng của hàng hóa (không bắt buộc cung cấp).

Cấm dùng xe Limousine được cải tạo từ xe 16 chỗ để chở khách

Có hiệu lực từ ngày 01/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP sẽ mang đến nhiều thay đổi đáng chú ý mang tính siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải. Một trong số đó phải kể đến yêu cầu không được sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (tính cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Thực tế, để nâng cấp dịch vụ đón trả khách liên tỉnh, nhiều nhà xe đã cải tạo dòng Ford 16 chỗ cải tạo thành loại xe dưới 10 chỗ gọi là Limousine để chở khách. Vậy theo quy định mới, dòng xe Limousine sắp bị cấm chở khách?

Khoản 3, Điều 2, Nghị định 47/2022/NĐ-CP đã nêu rõ: Xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này.

Như vậy, những xe limousine được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022 thì vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Còn những xe limousine được cải tạo từ ngày 1/9/2022 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách. 

Thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam

Đây là nội dung đáng chú ý được ghi nhận tại Nghị quyết 54/2022/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Theo đó, việc thí điểm việc thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam được thực hiện như sau:

- Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

- Việc tổ chức hoạt động lao động, học nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đảm bảo nguyên tắc:

+ Bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù.

+ Phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

 + Thu nhập từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam của đơn vị hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một số trường hợp phạm nhân không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam bao gồm: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân đã bị kết án từ 02 lần trở lên; phạm nhân tái phạm nguy hiểm…

Giảm 50% phí khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo quy định tại Thông tư 48/2022/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 17/9/2022), tổ chức có nhu cầu khai thác thông tin không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin không phải của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải trả phí khai thác và sử dụng thông tin với mức sau:

Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01); Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02); Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03); Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04); Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05).

Mức thu là 1.000 đồng/trường hợp thông tin.  

Tuy nhiên, theo điểm a, khoản 1, Điều 4, Thông tư 48/2022, trong thời gian ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, tổ chức, các nhân chỉ phải trả 50% mức phí nêu trên.

Từ 01/9, làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp

Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 01/9 tới.

Theo Thông tư 41/2022/TT-BTC, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.

Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Mở riêng tài khoản để tiếp nhận tài trợ, phân phối, sử dụng tiền từ thiện

Cũng theo Thông tư 41/2022/TT-BTC, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện mà không tổ chức kế toán riêng thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng.

Đồng thời, mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động từ thiện, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.

Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền, đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.

Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Đơn vị phải hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật...

Cùng chuyên mục

Sẽ xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng
Trong tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành đánh giá Nghị định này đã hoàn thành nhiệm vụ kể từ khi được ban hành. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thị trường, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng cần thay đổi để phù hợp. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo sửa đổi là xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng khác.
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ.

Tin mới

Nam Em có hành động khó hiểu khi livestream bán hàng
Nam Em là cái tên được nhắc đến khá nhiều thời gian qua, nguyên nhân xuất phát từ những ồn ào vạ miệng của cô nàng. Mới đây, quay trở lại mạng xã hội livestream bán hàng, Nam Em lại có hành động khó hiểu khiến nhiều người phải bàn tán.